Cộng đồng tiền mã hoá vừa chứng kiến một cuộc “đại chiến” gay cấn trên nền tảng X, xoay quanh vấn đề phí niêm yết token trên Binance. Cuộc khẩu chiến giữa những “ông lớn” trong ngành đã hé lộ nhiều góc khuất không chỉ của Binance mà còn của Coinbase, khiến cộng đồng xôn xao và đặt ra nhiều câu hỏi về tương lai của các sàn giao dịch tập trung.
Màn “châm ngòi” từ Simon – CEO Moonrock Capital
Cơn drama nổ ra khi Simon – CEO Moonrock Capital tiết lộ một thông tin gây chấn động: một dự án tier-1 với vốn hóa hàng trăm triệu USD đã phải chờ đợi hơn một năm để được Binance “chấp thuận”.
Điều khiến ông bức xúc là yêu cầu từ Binance: 15% tổng nguồn cung token của dự án.
Thử hình dung xem, các dự án phải chi từ 50 đến 100 triệu USD chỉ để được lên sàn Binance. Đây không đơn thuần là mức phí ‘trên trời’, mà còn là nguyên nhân chính khiến token mất giá
Simon phẫn nộ.
CEO Coinbase, Andre Cronje và Justin Sun đẩy drama lên cao
Nắm bắt thời cơ, Brian Armstrong – CEO Coinbase nhanh chóng vào cuộc với chiêu bài marketing tinh tế:
Niêm yết trên Coinbase hoàn toàn miễn phí. Hãy gửi yêu cầu đến chúng tôi, có thể chúng tôi sẽ giúp được. Và dĩ nhiên, các sàn phi tập trung cũng là lựa chọn tuyệt vời mà chúng tôi luôn hỗ trợ.
Đáp trả lại dưới phần bình luận, Andre Cronje – “cha đẻ” của Sonic (tiền thân là Fantom) đã bất ngờ “lật bàn” với cáo buộc:
Binance chưa từng thu phí của chúng tôi, trong khi Coinbase liên tục đòi từ 30 triệu USD đến 300 triệu USD, và gần đây nhất là 60 triệu USD.
Justin Sun – nhà sáng lập TRON cũng nhanh chóng “góp lửa” khi tiết lộ:
Coinbase từng yêu cầu 500 triệu TRX (khoảng 80 triệu USD) cùng khoản ký quỹ 250 triệu USD Bitcoin để được niêm yết.
Yi He – Đồng sáng lập của Binance ra mặt
Giữa tâm bão, Yi He – đồng sáng lập Binance đã chính thức lên tiếng. Bà khẳng định mọi thông tin về phân bổ token đều được Binance công khai minh bạch:
Dự án chỉ bị từ chối nếu không vượt qua được quy trình thẩm định, bất kể họ sẵn sàng chi bao nhiêu tiền hay token. Mọi người đều có thể tự kiểm chứng thông tin về tỷ lệ phân bổ token của các dự án trên Binance.
Yi He cũng làm rõ về chương trình airdrop:
Mọi hoạt động airdrop trên Launchpool đều minh bạch, nhưng đừng nghĩ rằng cứ cung cấp token là sẽ được niêm yết. Nếu dự án nào muốn hợp tác airdrop 20% tổng cung, hãy liên hệ thông qua Binance Web3 Wallet.
Simon ngay lập tức phản pháo:
Vậy ý bà là tất cả đều là bịa đặt và Binance chưa từng yêu cầu 15% token từ bất kỳ dự án nào? Dù gọi nó là gì, thì cuối cùng các bạn vẫn lấy từ túi nhà sáng lập.
Câu hỏi này đến nay vẫn chưa nhận được phản hồi từ Yi He.
Đọc thêm: DWF Labs xem xét kiện Eugene Ng vì có ý đồ xấu với đối tác
Những góc khuất được hé lộ
Drama này không chỉ làm dấy lên tranh cãi về tính minh bạch trong quy trình niêm yết, mà còn đặt ra nhiều câu hỏi về vai trò của các sàn tập trung. Gần đây nhất, việc layer-2 Scroll niêm yết trên Binance cùng các nghi vấn gian lận đã gây bức xúc trong cộng đồng, cho rằng động thái này đi ngược lại tinh thần phi tập trung.
Đáng chú ý, đây không phải lần đầu Yi He phải lên tiếng giải vây cho Binance. Trước đó vào tháng 2/2024, sau khi niêm yết RONIN của Ronin Network, Binance đã vướng vào cáo buộc giao dịch nội gián và thao túng giá, buộc “bóng hồng quyền lực” này phải đích thân giải trình.
Theo dõi ngay Tiền Điện Tử để cập nhật thông tin mới nhất, các bài phân tích chuyên sâu về thị trường tiền điện tử cùng những chương trình Airdrops tiềm năng mỗi ngày.