Theo kế hoạch của Chính phủ, Trung tâm tài chính tại TP.HCM và Đà Nẵng sẽ được thành lập và đưa vào vận hành trong năm 2025. Đây là bước đi chiến lược nhằm đưa Việt Nam trở thành điểm đến tài chính quan trọng của khu vực và thế giới.
Trong dự thảo Nghị quyết trình Quốc hội về việc xây dựng các trung tâm tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề xuất áp dụng chính sách thử nghiệm có kiểm soát đối với các mô hình kinh doanh ứng dụng công nghệ tài chính (fintech).
Cụ thể, Ủy ban Quản lý và điều hành trung tâm tài chính sẽ được trao thẩm quyền cấp phép, quản lý, đánh giá tác động và kiểm soát rủi ro trong quá trình thử nghiệm sandbox đối với hoạt động fintech. Các nội dung thử nghiệm bao gồm sàn giao dịch tài sản số và tiền mã hóa.
Chính phủ cũng sẽ ban hành các quy định cụ thể về phòng, chống rửa tiền; kiểm tra và chứng nhận an ninh, bảo mật mạng liên quan đến tài sản số và các tổ chức cung cấp dịch vụ này. Đồng thời, việc quản lý, phát hành, sở hữu và giao dịch token tiện ích hay “đào” tiền mã hóa cũng sẽ được Chính phủ kiểm soát chặt chẽ nhằm hạn chế rủi ro liên quan đến an ninh năng lượng và môi trường.
Dự thảo nghị quyết này dự kiến sẽ được trình Quốc hội xem xét và thông qua tại kỳ họp thứ 9, diễn ra vào giữa năm nay.
Các loại tiền số như Bitcoin, Ethereum… hiện được xem là những tài sản ảo phổ biến. Tuy nhiên, Việt Nam vẫn chưa có định nghĩa chính thức về tiền ảo và tài sản ảo. Các quy định hiện hành mới chỉ đề cập đến tiền điện tử được neo theo tiền pháp định, tồn tại dưới dạng thẻ trả trước ngân hàng hoặc ví điện tử.
Thực tế, dù tiền số không bị cấm tại Việt Nam, nhưng cơ quan quản lý vẫn chưa có khung pháp lý rõ ràng và chưa công nhận chúng là một loại tài sản. Việc thiếu các quy định pháp lý cho tài sản này đã khiến nhiều doanh nghiệp phải đăng ký hoạt động tại Singapore, Mỹ, sau đó mới quay lại Việt Nam, dẫn đến mất lợi thế cạnh tranh và thất thu thuế. Về phía người dùng, sự thiếu minh bạch và bảo vệ pháp lý đã tạo ra không ít rủi ro trong quá trình giao dịch, theo ý kiến từ giới chuyên môn.
Đọc thêm: Trader biến khoản lỗ 90% thành 2,5 triệu USD lợi nhuận nhờ 1 token AI
Theo báo cáo của Hiệp hội Blockchain Việt Nam vào tháng 8/2023, trong giai đoạn 2021-2022, Việt Nam nằm trong top 3 quốc gia có tỷ lệ người dân sở hữu tài sản số cao nhất thế giới, chiếm khoảng 21% dân số, chỉ đứng sau UAE và Mỹ. Báo cáo từ tổ chức phân tích thị trường Chainalysis cũng cho biết dòng tài sản số đổ vào Việt Nam trong năm 2023 đạt khoảng 120 tỷ USD.
Ngoài việc thúc đẩy phát triển tài sản số, Bộ Kế hoạch và Đầu tư còn đề xuất các cơ chế và chính sách ưu đãi vượt trội nhằm thu hút vốn đầu tư và công nghệ vào các trung tâm tài chính, tạo động lực cho sự phát triển kinh tế của Việt Nam.
Theo dõi ngay Tiền Điện Tử để cập nhật thông tin mới nhất, các bài phân tích chuyên sâu về thị trường tiền điện tử cùng những chương trình Airdrops tiềm năng mỗi ngày.