Ngày 12/6/2025, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã ký Quyết định số 1131/QĐ-TTg, ban hành Danh mục công nghệ chiến lược và sản phẩm công nghệ chiến lược. Đây là bước tiến quan trọng, khẳng định định hướng phát triển khoa học – công nghệ của Việt Nam, gắn liền với mục tiêu đảm bảo quốc phòng, an ninh và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bền vững.
Danh mục bao gồm 10 nhóm công nghệ chiến lược với 32 nhóm sản phẩm công nghệ trọng điểm, trong đó công nghệ Blockchain và trí tuệ nhân tạo (AI) nổi bật như những lĩnh vực tiên phong. Cụ thể:
- Công nghệ trí tuệ nhân tạo, bản sao số, thực tế ảo/thực tế tăng cường: Bao gồm 6 nhóm sản phẩm như mô hình ngôn ngữ lớn tiếng Việt, trợ lý ảo, AI chuyên ngành, AI phân tích, bản sao số (Digital Twin) và vũ trụ ảo (Metaverse).
- Công nghệ điện toán đám mây, lượng tử, dữ liệu lớn: Gồm 3 nhóm sản phẩm là dịch vụ điện toán đám mây, dịch vụ điện toán và truyền thông lượng tử, cùng trung tâm dữ liệu quy mô lớn.
- Công nghệ Blockchain: Được xác định với 3 nhóm sản phẩm chiến lược là tài sản số, tiền số, tiền mã hóa; hạ tầng mạng Blockchain; và hệ thống truy xuất nguồn gốc.
- Công nghệ mạng di động thế hệ sau (5G/6G): Bao gồm 3 nhóm sản phẩm như thiết bị và giải pháp mạng truy cập vô tuyến 5G/6G theo chuẩn ORAN, mạng lõi 5G/6G, và giải pháp truyền dẫn IP tốc độ cao.
- Công nghệ robot và tự động hóa: Gồm 4 nhóm sản phẩm như robot di động tự hành, robot công nghiệp, dây chuyền chế biến thực phẩm tiên tiến, và hệ thống giám sát chất lượng sau thu hoạch.
- Công nghệ chip bán dẫn: Tập trung vào chip chuyên dụng, chip AI và chip IoT.
- Công nghệ y – sinh học tiên tiến: Bao gồm vaccine thế hệ mới, liệu pháp gen (chỉnh sửa gen) và liệu pháp tế bào (tế bào gốc, tế bào miễn dịch).
- Công nghệ năng lượng và vật liệu tiên tiến: Gồm lò phản ứng hạt nhân nhỏ, an toàn; pin lithium-ion, thể rắn, nhiên liệu; và vật liệu tiên tiến.
- Công nghệ đất hiếm, đại dương, lòng đất: Bao gồm 4 nhóm sản phẩm như hệ thống khai thác và tinh chế đất hiếm, công nghệ thăm dò địa chất thông minh, khai thác biển sâu, và khai thác năng lượng ngoài khơi.
- Công nghệ an ninh mạng: Tập trung vào giải pháp tường lửa, phát hiện và ngăn chặn xâm nhập, cùng giải pháp bảo đảm an ninh cho hạ tầng quan trọng và cơ sở dữ liệu quốc gia.
Đọc thêm:
Crypto Việt Nam: Khung pháp lý cần linh hoạt
CEO Bybit muốn hỗ trợ Việt Nam xây dựng khung pháp lý và sàn giao dịch
Việc đưa công nghệ Blockchain vào danh mục công nghệ chiến lược thể hiện tầm nhìn chiến lược của Việt Nam trong việc đón đầu xu hướng công nghệ toàn cầu. Blockchain không chỉ hỗ trợ phát triển tài sản số và tiền mã hóa, mà còn đóng vai trò quan trọng trong xây dựng hạ tầng mạng minh bạch và hệ thống truy xuất nguồn gốc, góp phần nâng cao hiệu quả quản lý và tính minh bạch trong các lĩnh vực như tài chính, logistics và nông nghiệp.
Với sự hỗ trợ từ chính sách nhà nước, các doanh nghiệp Việt Nam có cơ hội đẩy mạnh nghiên cứu và ứng dụng Blockchain, từ đó khẳng định vị thế trên bản đồ công nghệ thế giới. Quyết định này không chỉ thúc đẩy đổi mới sáng tạo mà còn tạo nền tảng cho Việt Nam tham gia sâu hơn vào nền kinh tế số toàn cầu, đảm bảo sự phát triển bền vững và cạnh tranh trong thời đại công nghệ 4.0.
Theo dõi ngay Tiền Điện Tử để cập nhật các thông tin mới nhất về thị trường crypto cùng các chương trình Airdrops tiềm năng mỗi ngày.