Blockchain là gì?
Blockchain là một hệ thống cơ sở dữ liệu phân tán, được thiết kế để ghi lại và lưu trữ thông tin về các tài sản kỹ thuật số như tiền điện tử. Blockchain cũng được biết đến với tên gọi là Công nghệ Sổ cái Phân tán Phi tập trung (Distributed Ledger Technology – DLT) vì nó không phụ thuộc vào bất kỳ tổ chức hoặc bên trung gian nào. Thông tin lưu trữ trên blockchain là không thể thay đổi, viết đè hoặc xoá một cách trái phép.
Lịch sử của Blockchain
Công nghệ blockchain được ý tưởng vào đầu những năm 1990 bởi hai nhà nghiên cứu khoa học Stuart Haber và W. Scott Stornetta. Tuy nhiên, vào cuối năm 2008, sau khi Satoshi Nakamoto công bố một tài liệu white paper giới thiệu về Bitcoin, mô hình hoạt động của công nghệ blockchain lúc này mới cơ bản được xác định và mô tả rõ ràng hơn.
Blockchain Bitcoin ra đời vào ngày 03/01/2009 khi khối đầu tiên được khai thác (đào) bởi Satoshi Nakamoto, với phần thưởng khối là 50 Bitcoin. Giao dịch bitcoin đầu tiên trên thế giới được thực hiện vào ngày 12/01/2009, khi Satoshi gửi 10 Bitcoin cho Hal Finney, một nhà phát triển phần mềm tại Hoa Kỳ.
Công nghệ blockchain ra đời với mục tiêu giải quyết các hạn chế trong giao dịch truyền thống, đồng thời loại bỏ vấn đề chi tiêu hai lần và các bên trung gian như hệ thống ngân hàng, dịch vụ thanh toán.
Chi tiêu hai lần hay Double spending ám chỉ vấn đề khi người dùng sử dụng một đơn vị tiền tệ để thanh toán cho hai giao dịch khác nhau cùng một lúc. Thông thường, giải pháp cho double spending là có một bên trung gian thứ ba để xác thực thông tin giao dịch. Tuy nhiên, công nghệ blockchain giúp giải quyết vấn đề này mà không cần sự tham gia của bất kỳ bên trung gian nào.
6 đặc điểm của công nghệ blockchain
Blockchain có 6 đặc điểm nổi bật sau:
- Tính phi tập trung: Blockchain hoạt động độc lập mà không cần sự kiểm soát từ bất kỳ cơ quan hoặc tổ chức nào, dựa trên các thuật toán và node xác thực để đảm bảo tính phi tập trung. Điều này giúp blockchain trở nên minh bạch và khó có thể gian lận.
- Tính phân tán: Mạng lưới blockchain được duy trì bởi các node trên toàn thế giới, giúp phân tán sức mạnh tính toán trên nhiều máy tính khác nhau để đảm bảo tính ổn định.
- Tính bất biến: Dữ liệu ghi vào blockchain không thể thay đổi hoặc sửa đổi sau khi đã được ghi vào khối, nhờ thuật toán đồng thuận và mã hash.
- Tính bảo mật: Blockchain sử dụng công nghệ mật mã học để bảo vệ thông tin, mã hóa dữ liệu thành các hàm băm. Mỗi khối trong blockchain có một hash của riêng nó và của khối trước nó, đảm bảo tính toàn vẹn và không thể thay đổi dữ liệu.
- Tính minh bạch: Tất cả thông tin giao dịch trên blockchain đều được công khai, cho phép bất kỳ ai cũng có thể kiểm tra và truy xuất lịch sử giao dịch.
- Tính không cần tin cậy: Mạng lưới blockchain hoạt động dựa trên các node tự động xác thực giao dịch, không cần phải tin tưởng vào nhau. Các node chỉ cần tuân theo thuật toán của blockchain để vận hành và duy trì mạng lưới.
Cấu trúc của Blockchain
Blockchain bao gồm các “block” để tạo thành một “chain”. Cụ thể:
- Khối (block) chứa các dữ liệu giao dịch trên blockchain.
- Các khối mở rộng theo thời gian về mặt số lượng và liên kết với nhau để tạo thành một chuỗi (chain).
Mỗi block bao gồm 5 thành phần sau:
- Block Header (Tiêu đề khối): Là một mã hàm băm (hash) chứa các thông tin để xác định khối cụ thể trong blockchain, bao gồm hash của khối trước đó, thời gian khởi tạo khối (timestamp), nonce và merkle root.
- Previous Hash (Hash của khối trước): Là mã hàm băm của khối trước đó.
- Timestamp (Thời gian): Thời gian khởi tạo khối.
- Nonce: Mỗi khối trong một blockchain có một số nonce riêng biệt, được tính toán trong quá trình khai thác (đào) khối và giúp tạo ra giá trị hash duy nhất cho khối.
- Merkle Root: Giá trị hash cuối cùng của quá trình ghép cặp và hashing các giao dịch trong Merkle Tree.
Hash (hàm băm) là một chuỗi ký tự được mã hoá bằng công nghệ hàm băm mật mã học từ các thông tin đầu vào đã được xác định sẵn.
Cách thức hoạt động của công nghệ Blockchain
Quy trình hoạt động khi xử lý giao dịch trên blockchain sẽ diễn ra theo 4 bước sau:
Bước 1: Người dùng yêu cầu thực hiện giao dịch. Lúc này, thông tin giao dịch sẽ được ghi lại trên hệ thống, tạo thành bản ghi và gửi đến cho các node để chờ xác thực.
Bước 2: Các máy tính trong hệ thống (được gọi là node) sẽ xác thực các bản ghi chứa thông tin giao dịch theo thuật toán đồng thuận trên blockchain.
Ví dụ: Giả sử người dùng cần thực hiện giao dịch 3 bitcoin:
- Các node sẽ xác thực xem có 3 Bitcoin trong ví của người đó hay không, nếu có thì giao dịch sẽ được thực hiện.
- Nếu trong ví của người đó chỉ có 1 Bitcoin, node xác định rằng ví người dùng không đủ bitcoin để thực hiện giao dịch, giao dịch sẽ không được thực hiện.
Bước 3: Các bản ghi đã được xác thực của người dùng sẽ được lưu trữ trên một khối (block).
Bước 4: Khối (block) vừa mới được tạo sẽ được thêm vào chuỗi (chain) bằng cách kết nối Previous Hash của khối cần thêm vào với mã hash của khối trước đó và tạo thành một chuỗi khối (blockchain).
Khối đầu tiên không có khối nào trước đó nên sẽ có mã Hash là chuỗi số 0, được gọi là khối nguyên thuỷ hay Genesis Block.
Ứng dụng của Blockchain là gì?
Một số ứng dụng tiêu biểu của công nghệ blockchain bao gồm:
- Tiền điện tử (cryptocurrency): Là ứng dụng đầu tiên và phổ biến nhất của công nghệ blockchain. Các giao dịch tiền điện tử được thực hiện trên blockchain để đảm bảo tính minh bạch, bảo mật và nhanh chóng.
- Hợp đồng thông minh: Được tạo ra dựa trên công nghệ blockchain để đảm bảo tự động thực thi các điều khoản, quy tắc đã ghi trong hợp đồng thông minh khi các điều kiện trước đó được thỏa mãn. Không ai có thể ngăn cản hoặc hủy bỏ các hợp đồng thông minh.
- Hệ thống quản lý chuỗi cung ứng: Blockchain giúp tăng cường tính minh bạch và dễ dàng truy xuất nguồn gốc sản phẩm.
- Danh tính kỹ thuật số (Digital Identity): Công nghệ blockchain giúp tạo ra hệ thống chứng thực an toàn và không thể bị giả mạo, đồng thời đảm bảo bảo mật thông tin cá nhân của người dùng.
- Bất động sản: Blockchain giúp đơn giản hóa quy trình mua bán bất động sản, giảm phí giao dịch và thời gian.
- Quyền tác giả: Sử dụng blockchain để bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, đảm bảo các thông tin được ghi trên blockchain không thể bị thay đổi.
- Giao dịch ngân hàng và tài chính: Blockchain giúp giảm phí, thời gian và tăng tính hiệu quả trong giao dịch tài chính.
Cơ chế đồng thuận của Blockchain
Cơ chế đồng thuận của blockchain là một cơ chế để các node tuân theo, nhằm đảm bảo các giao dịch được thực hiện trên blockchain là chính xác và giống nhau trên tất cả các node của mạng.
Nếu trong mạng lưới có một block bị thay đổi dữ liệu, chúng sẽ được so sánh với dữ liệu của khối khác để đảm bảo tính đúng đắn và phù hợp với khối trước đó. Nếu có sự khác biệt thì nó sẽ không cho phép dữ liệu ấy được ghi vào bên trong blockchain. Đó là cách blockchain được thiết kế để chống lại sự thay đổi dữ liệu.
Ví dụ: Giả sử có hacker tấn công và thay đổi thông tin trên khối n. Tại thời điểm đó:
- Hash của khối n bị thay đổi.
- Hệ thống sẽ so sánh hash khối n với mã hash của khối trước đó để phát hiện sai lệch.
- Hacker phải thay đổi hash của khối trước n. Hệ thống lại phát hiện ra sai lệch ở khối n-1. Hacker phải tiếp tục thay đổi hash của khối n-2.
Như vậy, để thay đổi được giao dịch thì hacker phải thay đổi tất cả các khối để đảm bảo theo cơ chế đồng thuận của blockchain.
Các cơ chế đồng thuận giúp đảm bảo tính đúng đắn và minh bạch của blockchain.
Cơ chế đồng thuận là một phần không thể thiếu của một blockchain, đóng vai trò cốt lõi giữ các blockchain hoạt động một cách phi tập trung và bảo mật. Một số cơ chế đồng thuận phổ biến bao gồm:
- Proof of Work (PoW): Các thợ đào (miner) sẽ dùng sức mạnh máy tính để giải các bài toán tạo ra mã hash. Sau khi giải xong, họ sẽ giành được quyền xác thực giao dịch và tạo khối mới trong blockchain. Ví dụ: Bitcoin, Ethereum, Litecoin, Monero…
- Proof of Stake (PoS): Người dùng phải đặt cược (stake) lượng coin/token lớn để giành quyền trở thành node xác thực giao dịch và tạo khối. Ví dụ: Ethereum 2.0, Polkadot, Algorand…
- Delegated Proof of Stake (DPoS): Người sở hữu token có thể bỏ phiếu chọn và uỷ quyền cho node để thực hiện việc xác minh giao dịch. Ví dụ: EOS, Tron, BitShares…
- Proof of Authority (PoA): Thuật toán đề cao giá trị của danh tính & danh tiếng của những người tham gia chứ không dựa trên giá trị token mà họ nắm giữ. Ví dụ: MakerDAO, VeChain…
Các giai đoạn phát triển của công nghệ blockchain
Công nghệ blockchain đã phát triển qua các giai đoạn khác nhau với sự xuất hiện của nhiều ứng dụng, bao gồm: Tiền tệ, Hợp đồng thông minh, Ứng dụng phi tập trung và Công nghiệp.
Công nghệ Blockchain 1.0 – Tiền tệ
Đây là phiên bản đầu tiên của công nghệ blockchain. Nhờ áp dụng công nghệ sổ cái phân tán phi tập trung, các giao dịch được diễn ra trên blockchain được xử lí nhanh chóng và minh bạch. Ví dụ tiêu biểu cho phiên bản Blockchain 1.0 là Bitcoin, đồng tiền điện tử đầu tiên trên thế giới và đặt nền móng cho sự phát triển của thị trường tiền điện tử.
Công nghệ Blockchain 2.0 – Hợp đồng thông minh
Đây là phiên bản thứ 2 của công nghệ blockchain. Với hợp đồng thông minh (smart contract), giao dịch trên Blockchain sẽ được giảm mạnh các chi phí xác thực, chống gian lận, vận hành, đồng thời tăng tính minh bạch. Phiên bản này loại bỏ hoàn toàn các yếu tố cảm tính hay đạo đức thường gặp khi làm việc với con người, ví dụ điển hình là Ethereum.
Công nghệ Blockchain 3.0 – Ứng dụng phi tập trung
Ứng dụng phi tập trung (dApp – Decentralized Application) là các phần mềm được triển khai độc lập, không nằm trên một máy chủ duy nhất mà lưu trữ một cách phân tán trên các kho lưu trữ phi tập trung và có thể được viết bằng bất kỳ ngôn ngữ nào. Hầu hết mã nguồn của dApp đều chạy trên các mạng lưới ngang hàng, điều này ngược lại so với các ứng dụng truyền thống và chỉ chạy trên một hệ thống tập trung duy nhất.
Công nghệ Blockchain 4.0 – Công nghiệp
Công nghệ Blockchain 4.0 là phiên bản mới nhất hiện nay. Phiên bản này sẽ áp dụng tất cả những ứng dụng từ phiên 1 đến 3 vào quá trình kinh doanh sản xuất trong thực tiễn.
Kết luận
Trên đây là bài viết “Blockchain là gì? Blockchain hoạt động như thế nào?” của tiendientu tổng hợp. Hy vọng rằng nó sẽ giúp bạn hiểu thêm về blockchain và các ứng dụng của nó.
Nếu bạn còn bất kỳ thắc mắc nào hoặc muốn chia sẻ kiến thức về công nghệ blockchain của bạn, hãy liên hệ với chúng tôi bằng cách để lại bình luận dưới đây. Chúng tôi sẽ cố gắng giải đáp câu hỏi của bạn càng sớm càng tốt.