Staking là gì? Có nên đầu tư bằng phương pháp Staking không?
Với những nhà đầu tư đã tham gia lâu dài trong thế giới tiền điện tử chắc không còn xa lạ với thuật ngữ Staking. Nhưng đối với những người mới hoặc đang trong quá trình tìm hiểu thì sẽ có vô vàn những thắc mắc. Vậy Staking là gì và cơ chế hoạt động của nó như thế nào?

Staking là gì?
Hành động giữ (hold) và khóa (lock) số coin nhất định để nhận được những phần thưởng từ chúng được gọi là Staking. Số coin tạm khóa này sẽ được đưa vào hệ thống mạng blockchain nhằm mục đích hỗ trợ cho việc khai thác thêm nhiều đồng coin khác.
Nếu nói theo cách gần gũi hơn, Staking tương tự như việc bạn gửi tiền vào ngân hàng, sau một thời gian sẽ được hưởng một mức lãi suất theo quy định.
Sự khác nhau giữa Staking và Mining?
Khi nhắc đến Mining (đào coin) chắc hẳn bạn sẽ nghĩ đến một dàn máy tính với cấu hình hiện đại được kết nối mạng một cách mạnh mẽ. Không những vậy, bạn còn phải giải các thuật toán tương đối phức tạp thì mới có thể khai thác coin, mang lại lợi nhuận. Cơ chế khai thác phức tạp này có tên là Proof-of-Work, đã xuất hiện từ trước cả sự ra đời của tiền tệ kỹ thuật số và sau đó được áp dụng đầu tiên cho Bitcoin.
Tuy nhiên, giữa Mining và Staking nếu xét về bản chất thì không khác nhau là mấy. Staking ở đây cũng là đào coin nhưng theo một cách xanh hơn, sạch hơn và bảo vệ môi trường hơn theo cơ chế đồng thuận Proof-of-Stake (PoS).
Nếu xét về sâu xa, cơ chế này được tạo ra nhằm mục đích tập hợp các đồng coin lại với nhau để tham gia vào việc tạo ra các node. Khi tập hợp được số node nhất định sẽ góp phần tạo ra các block (khối) mới trong chuỗi blockchain. Số coin mà người dùng nhận được cũng sẽ tỷ lệ thuận với số node cũng như số block được tạo ra.
Staking Pool là gì?
Staking Pool là thuật ngữ dùng để chỉ những người nắm giữ coin và hợp nhất chúng lại với nhau, tạo thành một nhóm. Họ kết hợp sức mạnh tập thể, tận dụng tối đa tài nguyên chung và có những chiến thuật riêng để tăng cơ hội xác nhận các block và nhận các phần thưởng. Phần thưởng sẽ được chia một cách công bằng theo tỷ lệ đóng góp của từng cá nhân trong tập thể.

Tham gia một Staking Pool được cho là phù hợp với những người dùng mới vì nó yêu cầu số dư tối thiểu thấp.
Nghe có vẻ tương đối dễ dàng nhưng thực chất để tiến hành thiết lập và duy trì một Staking Pool khá khó khăn. Đặc biệt là các rào cản pháp lý ở mỗi khu vực là hoàn toàn khác nhau.
Sự biến hóa khác của Staking
Theo thời gian, mọi hoạt động đều sẽ thay đổi và biến hóa theo một cách linh hoạt. Ngoài việc tạm khóa số coin bạn đang có và đưa vào mạng lưới blockchain, sau đó nhận được coin thưởng thì còn có một cách Staking khác tại các sàn giao dịch chủ.
Việc bạn cần làm lúc này là chỉ cần khóa số coin lại trong nội bộ sàn và không được di chuyển chúng ra khỏi sàn. Với cách Staking này, số lượng coin đổ về các sàn giao dịch sẽ tăng, từ đó giúp tăng khối lượng giao dịch của sàn và cuối cùng là tăng lợi nhuận. Một phần lợi nhuận thu được này sẽ được dùng làm phần thưởng cho bạn.
Ai là người hưởng lợi từ việc Staking?
Bạn có từng thắc mắc giữa người tham gia và các dự án Staking ai là người được hưởng lợi? Và cách họ nhận được lợi ích từ hoạt động này như thế nào không? Không để bạn chờ lâu, ta cùng tìm hiểu ngay bên dưới bài viết này.
Đối với người tham gia Staking
Staker là thuật ngữ thường dùng để chỉ những người tham gia Staking. Có lẽ sẽ có khá nhiều lợi ích và phần thưởng thú vị tùy thuộc vào dự án mà họ tham gia. Trong bài viết này, chúng ta cùng điểm qua một vài lợi ích sau:
- Biết trước lợi nhuận. Mức lãi suất, thời gian cũng như các phần thưởng đi kèm khác sẽ được công bố trước khi dự án diễn ra. Bạn có thể dễ dàng xem xét để đưa ra các quyết định phù hợp nhất.
- Tạo ra nguồn thu nhập thụ động không mất phí. Nếu trước đây bạn phải bỏ ra một số tiền không nhỏ để đầu tư vào các thiết bị phần cứng hỗ trợ cho việc đào coin thì giờ đây, bạn không phải bỏ ra cái gì cả. Việc cần làm chỉ là giữ và khóa các đồng coin trong một thời gian nhất định và nhận được lợi nhuận từ đó.
- Quy trình đơn giản, dễ thao tác. Các quy trình đã được đơn giản hóa một cách tối ưu nhất không chỉ phù hợp với những nhà đầu tư đã có kinh nghiệm mà ngay cả những người mới tham gia.
- Tiết kiệm năng lượng và bảo vệ môi trường. Theo thời gian, vấn đề môi trường ngày càng được quan tâm và lợi ích mà cơ chế Proof-of-Stake được sử dụng cho việc Staking là không thể phủ nhận. Nếu cơ chế Proof-of-Work (PoW) bị chỉ trích là tốn quá nhiều năng lượng, nhất là trong tình hình hiện nay, xung đột năng lượng ẩn sau lớp màn chính trị có thể xảy ra bất cứ lúc nào. Bên cạnh đó việc khai thác bằng PoW gần đây cũng gây tranh cãi về việc làm ô nhiễm môi trường.
Tuy nhiên việc Staking được cho rằng chỉ phù hợp với những nhà đầu tư muốn hold (giữ) các đồng coin một cách lâu dài. Còn đối với những người muốn dùng để trade, mua bán một cách thường xuyên thì hoàn toàn không phù hợp.
Đối với dự án Staking
Những lợi ích mang lại cho cho dự án Staking:
- Tận dụng tối đa các nguồn lực từ bên ngoài. Điều này được thể hiện qua việc tập trung lượng coin từ nhiều nguồn đổ vào các dự án.
- Gia tăng tính phi tập trung cho mạng lưới. Bằng cơ chế PoS, sức mạnh của mạng lưới lúc này không chỉ tập trung vào một vài cá nhân mà được phân bổ cho những người tham gia, được thể hiện qua các Node, Masternode,…
- Tăng sự an toàn cho mạng lưới. Để có thể hack thành công một mạng lưới đòi hỏi các hacker phải nắm giữ hơn một nửa sức mạnh (cụ thể là 51% sức mạnh mạng lưới). Từ việc phân tán sức mạnh nói trên sẽ gây khó khăn không nhỏ và được một số chuyên gia cho rằng đó là điều bất khả thi.
Tìm hiểu thêm về các cuộc tấn công 51% tại đây.
Liệu có rủi ro nào trong việc Staking?

Không có điều gì là tuyệt đối cả, Staking cũng vậy. Như đã đề cập ở trên, khi quyết định tham gia vào Staking thì bạn sẽ không thể làm gì như trade, mua bán hay giao dịch với bất kỳ đồng coin nào của mình. Nếu chọn dừng lại giữa chừng sẽ mất đi một số phần thưởng cũng như vấp phải những ràng buộc mà dự án đưa ra.
Bên cạnh đó có một điều tương tự như việc gửi tiền trong ngân hàng, nếu tiền mất giá thì đồng coin cũng thế. Việc Staking bản chất là tạo ra các đồng coin mới, đến một lúc nào đó như quy luật cung cầu thì giá trị của các đồng coin rồi cũng sẽ đến bên kia sườn dốc mà thôi.
Các cuộc tấn công mạng được cho là rất khó có thể xảy ra nhưng không có điều gì chắc chắn ở đây cả. Xét về khía cạnh bảo mật, PoS vẫn đang còn rất mới và PoW vẫn được cho là vượt trội hơn nhiều.
Đặc biệt có một trường hợp thường gặp phải khiến các nhà đầu tư phải đau đầu là đó là vấn đề bị phạt do vi phạm. Nhằm loại bỏ các hành vi gian lận cũng như thiếu minh bạch, các dự án sẽ đưa ra một số quy định nhất định. Nếu bạn bỏ qua chúng, có thể bạn sẽ bị phạt theo quy định, thậm chí có thể block (khóa) tài khoản và và nghiêm trọng hơn là tiến hành xử lý hình sự hóa.
Các sàn giao dịch áp dụng cơ chế Staking phổ biến nhất hiện nay
Theo đà phát triển mạnh mẽ và sự phổ biến của Staking, ngày càng có nhiều sàn giao dịch ra mắt tính năng này. Tuy nhiên, không có miếng mồi nào là miễn phí cả, bạn sẽ phải bỏ ra một chi phí nhất định trước khi bắt đầu tham gia.
Một số sàn giao dịch áp dụng Staking hàng đầu hiện nay bao gồm: Binance, Coinbase, CEX, BlockFi, Tezos,…
Lưu ý: gợi ý về các sàn giao dịch được đề cập ở trên không được sắp xếp theo bất kỳ thứ tự nào cả.
Các thông số cần lưu ý trước khi bắt đầu Staking coin
- Số lượng coin tối thiểu
Mỗi dự án sẽ yêu cầu số lượng coin nhất định. Nếu Ethereum (ETH) chỉ cần một lượng là 0,266 ETH thì Cardano (ADA) cần đến 327 ADA (tương đương 1000 USD).
Bạn cần tìm hiểu kỹ để có thể chuẩn bị đủ số coin cho dự án mà mình muốn tham gia.
- Thời gian lock (khóa)
Thời gian của mỗi dự án sẽ khác nhau, có thể là 1 tháng, 1 quý hay 1 năm. Sau khoảng thời gian này, bạn sẽ nhận lại số coin ban đầu của mình. Việc cần làm là lựa chọn thời gian phù hợp nhất cho mình.
- Thời gian unlock (mở khóa)
Ngoài thời gian unlock như quy định thì bạn cũng có thể dừng lại bất kỳ lúc nào, nhưng kèm theo đó là vô số ràng buộc. Có thể phần thưởng sẽ không như mong đợi và thời gian nhận về số coin gốc ban đầu cũng chậm hơn dự kiến.
Vì vậy, trước khi quyết định dừng lại hãy xem xét thật kỹ các điều khoản ban đầu để hạn chế những phát sinh không mong muốn, gây bất lợi cho bạn.
- Tỷ lệ lạm phát
Như đã đề cập ở trên về quy luật cung cầu, lạm phát cũng từ đó mà sinh ra. Vấn đề lạm phát hay nói cách khác là sự mất giá của tiền tệ Fiat (tiền pháp định) luôn là một vấn đề khiến các nhà chức trách phải đau đầu. Những đồng coin kỹ thuật số cũng không thể tránh khỏi viễn cảnh đó.
Để dễ hình dung hơn, chúng ta cùng đến ví dụ sau: Ban đầu, bạn tham gia Staking với 1000 coin X trong vòng 1 năm. Giá mỗi coin là 10 USD/X và lợi nhuận là 20%/năm. Sau khi hết thời hạn một năm bạn nhận được 1.200 coin X. Tuy nhiên lúc này số coin trên thị trường cũng đã tăng lên dẫn đến việc giá mỗi coin chỉ còn 8 USD/X. Vậy sau khi Staking thì tài sản của bạn chỉ còn 9.600 USD so với 10.000 USD bỏ ra ban đầu. Đấy chính là lạm phát.
- Lãi suất
Lãi suất hay lợi nhuận chính là điều mà những nhà đầu tư quan tâm hàng đầu. Lãi suất tỷ lệ thuận với số coin nhận được, lãi suất càng cao thì số coin nhận về càng nhiều.
Tuy nhiên bạn phải thật cẩn trọng trước con số này, phải quan tâm và bao quát nhiều yếu tố, đừng vì lợi nhuận trước mắt mà lung lay.
Các bước thực hiện Staking
Trong bài viết này, chúng ta cùng tìm hiểu về cách Staking gián tiếp thông qua các sàn giao dịch, ví hoặc bên thứ 3. Đây có thể xem là cách Staking tương đối phổ biến hiện nay vì cách thức tham gia có phần đơn giản hóa hơn việc Staking trực tiếp trên blockchain.
- Bước 1: Đầu tiên, bạn nên chọn cho mình một “bến đỗ” phù hợp hay nói cách khác là một nền tảng uy tín. Nếu chưa có tài khoản, bạn phải tiến hành tạo một tài khoản cho riêng mình và phải xác nhận danh tính, đồng ý các điều khoản mà sàn giao dịch đưa ra để được phê duyệt.
- Bước 2: Tiếp đến không kém phần quan trọng, bạn cần chọn đồng coin phù hợp nhất với mình.
- Bước 3: Chuyển số coin có sẵn vào ví hoặc sàn để tiến hành Staking. Trường hợp chưa có coin thì bạn cần chuyển tiền vào, sau đó mua coin rồi mới tiến hành tham gia.
- Bước 4: Bây giờ chỉ cần theo dõi và chờ đợi rồi nhận thưởng sau thời gian kết thúc chương trình.
Phần kết luận
Qua bài viết, có lẽ bạn đã phần nào hiểu được chi tiết cách thức hoạt động, những ưu điểm, rủi ro cũng như một số lời khuyên khi có ý định tham gia Staking. Và nếu quyết định tham gia, trước tiên bạn cần xác định mình đang ở vị trí nào để có thể chọn phương pháp phù hợp như tham gia đơn lẻ hoặc tham gia theo hình thức Staking Pool.
Bên cạnh đó, việc tìm hiểu, phân tích đánh giá các đồng coin cũng như dự án và những việc hết sức quan trọng, là bước đệm để bạn có thể kiếm được lợi nhuận tối ưu nhất từ Staking và rộng hơn nữa là từ thị trường tiền điện tử.
Nếu có bất kỳ câu hỏi và chia sẻ, hãy để lại bình luận bên dưới và đừng ngại tham gia X100 Coin Group để được thảo luận, trao đổi cùng các admin và nhiều member khác nhé!Đừng quên theo dõi thường xuyên trang tiendientu.com – Nơi cung cấp và cập nhật các thông tinchi tiếtliên quan về tiền điện tử nhanh nhất.