Privacy Coin – coin ẩn danh là gì?
Coin ẩn danh (Privacy Coin) là gì? Chúng có hợp pháp không? Không chỉ để trả lời hai câu hỏi này, chúng tôi sẽ giúp bạn tìm hiểu nhiều hơn thế nữa về đồng coin này.

Có khả năng là khi các sàn giao dịch tập trung cố gắng hoạt động hợp pháp, họ sẽ loại bỏ coin ẩn danh để tránh ánh mắt tiêu cực từ phía cơ quan chức năng
Sơ lược về Privacy Coin trong thế giới tiền điện tử
Bitcoin được giới thiệu như là một hệ thống tiền tệ thay thế cho Fiat (tiền pháp định) do chính phủ kiểm soát. Nhưng hạn chế lớn nhất của nó là thiếu tính năng riêng tư cần thiết để bảo vệ người dùng. Đặc biệt là ở các quốc gia độc tài có các quy định khó khăn, hoặc thậm chí là cấm hoặc ngăn chặn việc sử dụng tiền tệ kỹ thuật số.
Trên thực tế, Bitcoin cung cấp ít quyền riêng tư hơn so với tiền tệ Fiat ở một số khía cạnh vì nó là một blockchain công khai. Điều này có nghĩa là bất kỳ ai có đủ nguồn lực để thực hiện phân tích chuỗi (chain) đều có thể phát hiện ra danh tính thực đằng sau một địa chỉ công khai.
Các đồng coin ẩn danh (Privacy Coin) như Monero và Dash đã nổi lên để giải quyết vấn đề này bằng cách cung cấp cho người dùng khả năng gửi và nhận giá trị ẩn danh. Nhiều đồng tiền riêng tư khác đã ra đời. Nhưng đồng tiền điện tử nào là riêng tư nhất?
Để tăng sự riêng tư và tính bảo mật, các đồng coin ẩn danh (Privacy Coin) đã ra đời nhưng bên cạnh đó cũng vấp phải không ít tranh cãi. Nhiều ý kiến cho rằng chúng có khả năng tạo điều kiện thuận lợi cho việc rửa tiền và tài trợ cho các tổ chức khủng bố. Do đó đã bị nhiều sàn giao dịch hủy niêm yết.
Bài viết này sẽ giúp bạn xem xét các đồng tiền bảo mật hàng đầu và những điều tạo nên sự khác biệt giữa chúng.
Privacy Coin – coin ẩn danh là gì?

Privacy Coin là loại tiền điện tử cho phép người dùng giao dịch chúng nhưng ẩn các thông tin chi tiết giao dịch. Chúng đảm bảo rằng không ai có thể thấy số lượng tiền đã giao dịch đi đâu, gửi cho ai. Một số kỹ thuật được sử dụng trong các loại tiền điện tử ẩn danh này bao gồm ẩn số dư và địa chỉ ví thực của người dùng, đồng thời trộn nhiều giao dịch với nhau để tránh việc phân tích chuỗi.
Trên tinh thần minh bạch, Bitcoin và các blockchain phi quyền riêng tư khác cho phép bất kỳ ai cũng có thể xem các địa chỉ và giao dịch công khai. Điều này làm cho việc theo dõi các khoản tiền được chuyển, gửi hoặc rút của ai đó tương đối đơn giản.
Tuy nhiên, coin ẩn danh xử lý hai khía cạnh khác nhau là ẩn danh và không thể truy xuất. Tính ẩn danh che giấu danh tính đằng sau một giao dịch. Trong khi đó, tính không thể truy xuất khiến các bên thứ ba hầu như không thể xác định hoặc theo dõi dấu vết của giao dịch. Cho dù có sử dụng các dịch vụ như phân tích blockchain đi chăng nữa.
Các chiến lược mà coin ẩn danh sử dụng

Để bảo vệ hiệu quả tính ẩn danh và không thể truy xuất, coin ẩn danh sử dụng nhiều chiến lược khác nhau bao gồm địa chỉ ẩn, chữ ký vòng, CoinJoin và zk-SNARK.
- Địa chỉ ẩn yêu cầu người gửi tạo địa chỉ mới cho mọi giao dịch được gửi để tránh bị liên kết với người nhận. Monero (XMR), một trong những coin ẩn danh hàng đầu, sử dụng một phiên bản của địa chỉ ẩn được gọi là giao thức địa chỉ ẩn khóa kép (DKSAP).
- CoinJoin được biết đến như một máy trộn kết hợp các giao dịch từ các cá nhân khác nhau thành một giao dịch duy nhất. Sau đó tiến hành giải ngân chúng cho người dùng tương ứng bằng cách sử dụng các địa chỉ mới.
- Zk-SNARKs là viết tắt của cụm từ Zero-knowledge Succinct Non-Interactive Argument of Knowledge. Chiến lược này cho phép chủ sở hữu tiền điện tử chứng minh tính hợp lệ của giao dịch. Bên cạnh đó không cần tiết lộ thông tin nhận dạng quan trọng của các bên liên quan và số dư tài khoản.
Coin ẩn danh có hợp pháp không?

Tính hợp pháp của các coin ẩn danh phụ thuộc vào từng quốc gia, từng khu vực pháp lý khác nhau. Ví dụ ở Hàn Quốc, chính phủ cấm giao dịch coin ẩn danh trên các sàn giao dịch tiền điện tử của nước này để hạn chế rửa tiền.
Tuy nhiên, các khu vực pháp lý không cấm các coin ẩn danh cũng không hề xác nhận. Điều này có nghĩa là hoạt động của chúng không rõ ràng, chẳng hạn như không ai chắc chắn về cách giải quyết hoặc chịu trách nhiệm về chúng.
Ví dụ, chính phủ Hoa Kỳ tìm một biện pháp khác đối với tiền điện tử ẩn danh. Họ tìm cách phát triển các công cụ để loại bỏ “lớp áo choàng” đối với các giao dịch mang tính ẩn danh này.
Các giao dịch riêng tư sử dụng coin ẩn danh không nhất thiết được xem là thúc đẩy các hoạt động độc hại như rửa tiền và tài trợ khủng bố. Một số người dùng chỉ đơn giản coi trọng quyền riêng tư tài chính và đang thực hiện các quyền cơ bản của họ. Tuy nhiên lo ngại lớn nhất là các cơ quan chính phủ là việc không thể kiểm soát chúng. Nhưng có một điều thú vị là nhiều cá nhân nổi tiếng như Naval Ravikant, Elon Musk và Edward Snowden vẫn tiếp tục ủng hộ các ứng dụng tập trung vào quyền riêng tư.
Tại sao coin ẩn danh bị hủy niêm yết trên các sàn giao dịch?

Việc hủy niêm yết các đồng coin ẩn danh gắn liền với quan điểm của một quốc gia hoặc nghĩa vụ chống rửa tiền/chống tài trợ khủng bố (AML/CFT). Bên cạnh đó, để tránh bị hủy niêm yết thì các đồng coin này phải điều chỉnh các giao dịch riêng tư để đáp ứng các quy định.
Khi một cơ quan quản lý cấm một loại tiền điện tử cụ thể trong biên giới của mình, thì một sàn giao dịch cần phải tạm dừng giao dịch càng sớm càng tốt hoặc có nguy cơ bị đóng cửa. Trong những trường hợp như vậy, một số thị trường tiền điện tử có thể chọn tạm dừng giao dịch trong khi những thị trường khác sẽ rút hoàn toàn đồng coin đó khỏi nền tảng của họ.
Đồng coin ẩn danh đang phải đối mặt với sự giám sát gia tăng từ các cơ quan quản lý trong vài tháng qua. Điều này đã buộc một số sàn giao dịch phải xóa những loại tiền điện tử này để tránh các phức tạp về quy định.
Trước sự kiện này, các đồng coin ẩn danh hàng đầu như Dash (DASH), Monero (XMR) và Zcash (ZEC) đã bị hủy bỏ bởi nhiều nền tảng giao dịch hàng đầu bao gồm Bittrex, CoinCheck, Coinbase UK và ShapeShift.
Những coin ẩn danh hàng đầu
Dash

Dash là một loại tiền điện tử được tạo ra do một đợt fork Litecoin (đợt phân tách Litecoin) vào năm 2014. Vì Litecoin cũng là một fork của Bitcoin, nên có thể xem Dash cũng là một fork của Bitcoin. Đây là coin ẩn danh tiên phong sau qua nhiều lần đổi tên nào là XCoin, DarkCoin rồi cuối cùng là Dash. Nó chứa các đặc điểm ẩn danh tự chọn như PrivateSend, sử dụng chiến lược CoinJoin để che giấu các giao dịch.
Dash Core Group (DCG), đơn vị duy trì sự phát triển của tiền điện tử, giải thích rằng Dash tập trung vào khả năng sử dụng và bảo vệ người dùng. Là một fork của Bitcoin có nghĩa là Dash không phải là vô danh. Ngoài ra, Giám đốc điều hành của DashPay, Ryan Taylor, cho rằng Dash không phải là một loại tiền điện tử nâng cao tính ẩn danh (AEC).
Là một đợt fork của Bitcoin, các chi tiết giao dịch của nó như số dư và địa chỉ ví được công khai trên blockchain trừ khi người dùng sử dụng tùy chọn PrivateSend.
Dash so với Bitcoin
Sự khác biệt chính giữa Dash và Bitcoin nằm ở các thuật toán đồng thuận của chúng. Ví dụ: trong khi cả hai đều chạy nguyên bản bằng cách sử dụng Proof-of-Work (PoW), Dash có một lớp bổ sung lưu trữ các Masternode được cung cấp bởi cơ chế Proof-of-Stake (PoS). Hiểu theo cách đơn giản, Masternode là một máy chủ server có cấu hình cao và xử lý giao dịch trên blockchain để nhận các đồng tiền mã hóa.
Do đó, Dash có thể được coi là đồng tiền bảo mật tốt nhất về tính dễ sử dụng do tốc độ giao dịch cao hơn và chi phí giao dịch thấp. Đáng chú ý, Dash sử dụng tính năng InstantSend, đây là một cơ chế thuận tiện cho phép thực hiện các giao dịch gần như tức thì.
Bitcoin thua kém về mặt quyền riêng tư so với Dash. Dash cho phép người dùng lựa chọn có công khai giao dịch của họ trước sự giám sát của công chúng hay không.
Dash so với Monero
Mặc dù cả hai loại tiền điện tử đều có các chức năng bảo mật, nhưng chúng có những điểm khác biệt cơ bản trong thiết kế. Dash sử dụng hệ thống hai tầng kết hợp PoW với PoS. Hơn nữa, tính năng ẩn danh của nó là tùy chọn thông qua chức năng PrivateSend.
Mặt khác, các giao dịch trên Monero là vô danh. Lưu ý rằng Dash sử dụng CoinJoin trong khi Monero sử dụng một loạt các chiến lược nâng cao quyền riêng tư, bao gồm Ring Signatures (chữ ký Ring), RingCT,… khiến nó khó theo dõi hơn Dash.
Monero vượt trội Dash khi nói đến quyền riêng tư, nhưng Dash nhanh hơn và rẻ hơn rất nhiều so với Monero.
Dash so với Zcash
Dash sử dụng thuật toán băm X11 trong khi Zcash sử dụng cơ chế zk-SNARKs và thuật toán Equihash. Zcash chia sẻ một số điểm tương đồng, bao gồm việc chuyển đổi Bitcoin, giới hạn kích thước khối là 2MB và thời gian xác nhận khối là 2,5 phút.
Khi nói đến quyền riêng tư, Zcash đánh bại Dash vì các giao dịch của Dash có thể được theo dõi khi một người có quyền truy cập vào các Masternode.
Monero

Monero (XMR) được nhiều người coi là coin ẩn danh tốt nhất trên thị trường vì nó sử dụng một bộ tính năng quyền riêng tư mạnh mẽ như RingCT, địa chỉ ẩn và chữ ký Ring để thúc đẩy tính ẩn danh toàn diện.
Trên thực tế, quyền riêng tư của Monero đặc biệt đến mức Sở Thuế vụ Hoa Kỳ (IRS) đã phải đặt một khoản tiền thưởng khoảng $625K cho bất kỳ ai có thể bẻ khóa công nghệ ẩn danh của nó. Tuy nhiên, một nhân viên của Chainalysis đã tuyên bố rằng “Monero là một phát minh thông minh, nhưng không hoàn hảo.”
Để kiểm tra hoặc chứng minh thanh toán đã được thực hiện, người dùng cần cung cấp khá nhiều thông tin. Ngoài việc phải cung cấp ID giao dịch Monero, người dùng phải cung cấp thêm khóa giao dịch riêng tư và địa chỉ công khai của người nhận. Với ba phần thông tin này, các bên quan tâm sau đó có thể kiểm tra bằng ví Monero GUI.
Monero so với Bitcoin
Ngoài việc hoạt động trên thuật toán đồng thuận PoW, cả hai có sự khác biệt lớn. Bitcoin chỉ đơn thuần là một loại tiền điện tử trong khi Monero là một trong những đồng tiền mã hóa riêng tư nhất đang tồn tại.
Khi khai thác, Bitcoin chủ yếu yêu cầu ASIC (mạch tích hợp dành riêng cho ứng dụng) trong khi Monero không khuyến khích sử dụng ASIC, điều này khiến các thợ đào sử dụng CPU là lựa chọn duy nhất. Ngoài ra, BTC sử dụng thuật toán băm SHA-256, trong khi XMR sử dụng thuật toán RandomX.
Hơn nữa, mạng Bitcoin có kích thước block (khối) cố định, trong khi Monero kết hợp kích thước block linh hoạt. Theo kết quả một nghiên cứu khá thú vị rằng nhiều tội phạm vẫn thích Bitcoin hơn, vì Bitcoin dễ trao đổi và cung cấp nhiều tiền mã hóa hơn.
Zcash

Ra mắt vào năm 2016, Zcash là một coin bảo mật hàng đầu khác có chung gốc với Dash, là một nhánh của Bitcoin. Đứng đầu là Công ty Electric Coin, coin ẩn danh này sử dụng cơ chế PoW, tốn khá nhiều năng lượng để xác nhận các giao dịch.
Zcash cũng cung cấp sự lựa chọn để ẩn các giao dịch thông qua cơ chế bảo mật và không thể truy xuất. Chúng còn được gọi là giao dịch được bảo vệ và zk-SNARKS.
Zcash so với Monero
Thứ nhất, Zcash sử dụng tính năng zk-SNARKs, trong khi Monero kết hợp các địa chỉ ẩn, giao dịch bí mật và giao dịch Ring. Zcash thúc đẩy quyền riêng tư tùy chọn trong khi bất kỳ giao dịch nào được thực hiện trên Monero đều được ẩn danh theo mặc định.
Trên Zcash, người dùng có thể tận hưởng sự linh hoạt trong việc lựa chọn. Họ có thể lựa chọn giao dịch nào họ muốn che giấu và giao dịch nào họ muốn công khai, khiến nó trở thành một loại tiền điện tử ẩn danh, linh hoạt.
Mặt khác, các nhà phát triển Monero tin rằng việc đặt quyền riêng tư là tùy chọn sẽ làm suy yếu bộ ẩn danh của mạng riêng.
Zcash so với Bitcoin
Zcash là một bản sao của Bitcoin nhưng có các tính năng bổ sung như quyền riêng tư tùy chọn. Một sự khác biệt khác giữa Zcash và Bitcoin là sự rõ ràng trong việc phân phối phần thưởng khai thác được.
Ví dụ: trong khi các thợ đào Bitcoin mang về tất cả các phần thưởng, Zcash đã từng thực hiện một cách tiếp cận khác. Với Zcash, 10% ưu đãi khai thác đã được sử dụng để chuyển cho Công ty Electric Coin và được chia sẻ cho các cổ đông của công ty. Điều này nhằm mục đích tài trợ cho các phát triển trong tương lai. Tuy nhiên, việc giảm một nửa vào tháng 11 năm 2020 đã loại bỏ “Phần thưởng cho người sáng lập”. Giờ đây, những người khai thác nhận được 80% phần thưởng khối, 20% còn lại được trao cho các Quỹ tài trợ chính mới, ECC và Quỹ Zcash.
Beam

Beam là một loại tiền điện tử riêng tư, ẩn danh sử dụng một blockchain ẩn danh mới có tên là Mimblewimble. Ngoài quyền riêng tư, công nghệ này còn nâng cao khả năng mở rộng của các giao thức PoW bằng cách cung cấp các giải pháp dữ liệu nhỏ gọn tải xuống nhanh hơn cũng như dễ dàng xác minh và đồng bộ hóa hơn.
Beam cũng cung cấp các giao dịch không thể theo dõi thông qua các địa chỉ không xác định được. Nhìn từ xa, các giao dịch nhỏ của nó tạo nên một khối được trình bày như một giao dịch lớn duy nhất.
Grin

Ra mắt vào tháng 1 năm 2019, Grin, chia sẻ cùng blockchain Mimblewimble với Beam. Grin là một trong những đồng tiền bảo mật hàng đầu có khả năng chống kiểm duyệt và có thể mở rộng. Nó tự tạo sự khác biệt theo cách độc lập với người sáng lập ẩn danh của mình. Do đó, các ưu đãi dành cho nhà phát triển chủ yếu đến từ các khoản đóng góp.
Đáng chú ý, nền tảng có một quy tắc thú vị mặc dù gây tranh cãi về khai thác, những người khai thác nhận được cùng một tỷ lệ phần thưởng vô thời hạn. Có nghĩa là người khai thác tham gia mạng vào tháng 12 năm 2030 sẽ nhận được cùng một lượng phần thưởng trên mỗi block như người khai thác đầu tiên vào tháng 1 năm 2019.
Mạng sử dụng tiêu chuẩn giao dịch thống nhất được gọi là Slatepack để nâng cao trải nghiệm của nhà phát triển và người dùng. Đồng thời cung cấp quyền riêng tư, bảo mật, khả năng tương thích và xử lý tệp nâng cao.
PIVX

PIVX – viết tắt của Giao dịch được xác minh tức được bảo vệ. Nó được ra mắt vào tháng 1 năm 2016 dưới dạng blockchain với thuật toán đồng thuận Proof-of-Work, nhưng sau đó đã được chuyển sang thuật toán Proof-of-Stake từ tháng 8 năm 2016 trở đi. PIVX là một coin ẩn danh với mục tiêu chính là bảo vệ dữ liệu người dùng.
Giao thức bảo mật mới của họ vừa được triển khai vào năm 2020. Đó là một giao thức bảo vệ dữ liệu tài chính được gọi là SHIELD – triển khai giao thức zk-SNARKs sapling đầu tiên trên thế giới trên một blockchain Proof-of-Stake. Giao thức zk-SNARKs sapling được tạo ra bởi Electric Coin Company, công ty đứng sau Zcash. SHIELD cung cấp sự bảo vệ hoàn toàn đối với các giao dịch và tính ẩn danh giữa người gửi và người nhận.
Nguồn tiền, số lượng tiền được gửi và địa chỉ liên quan có thể được giữ hoàn toàn ẩn danh. Các lợi ích khác bao gồm: tốc độ giao dịch nhanh, có thể xem chi tiết giao dịch, thân thiện với người dùng và giao dịch đơn giản.
PIVX là một dự án blockchain mã nguồn mở phi tập trung được quản lý, phát triển và điều hành bởi một cộng đồng – một tổ chức tự trị phi tập trung (DAO).
Triển vọng trong tương lai của coin ẩn danh

Các loại tiền điện tử bảo mật hay coin ẩn danh là một phần trung tâm của hệ sinh thái tiền điện tử. Mặc dù thực tế, bản chất không thể theo dõi hay ẩn danh của chúng làm dấy lên những tranh cãi liên quan đến các giao dịch tội phạm.
Một số báo cáo cho thấy rằng có một tỷ lệ nhỏ tiền điện tử được sử dụng trong rửa tiền, tài trợ cho khủng bố và các hoạt động bất hợp pháp khác. Tuy nhiên, các chính phủ trên toàn cầu vẫn không hề cấm đoán các loại tiền ẩn danh này, đó cũng có thể xem là một động thái ủng hộ không công khai. Và tương lai của các coin ẩn danh này vẫn còn rất đáng để kỳ vọng.
Kết luận
Bài viết đã giúp ta tìm hiểu tiền điện tử bảo mật cũng như coin ẩn danh là gì. Và hơn thế nữa, đã đưa ra danh sách các đồng coin ẩn danh hàng đầu trên thị trường hiện nay.
Trong khi Monero vẫn có các tính năng bảo mật mạnh nhất, Zcash và Dash cung cấp tùy chọn ẩn danh khi thực hiện các giao dịch công khai. Beam và Grin phù hợp nhất cho những người dùng coi trọng khả năng mở rộng cũng như quyền riêng tư. Mong rằng bạn sẽ có lựa chọn phù hợp nếu muốn lấn sân sang các đồng coin ẩn danh này.
Nội dung được dịch và biên tập lại từ CoinMarketCap. Trong quá trình dịch không tránh được các sai sót khi biên dịch các thuật ngữ chuyên môn. Bạn có thể đọc bài viết gốc tại đây. Cảm ơn các bạn đã ủng hộ tiendientu.com.
Nếu có bất kỳ câu hỏi và chia sẻ, hãy để lại bình luận bên dưới và đừng ngại tham gia X100 Coin Group để được thảo luận, trao đổi cùng các admin và nhiều member khác nhé!
Đừng quên theo dõi thường xuyên trang tiendientu.com – Nơi cung cấp và cập nhật các thông tin chi tiết liên quan về tiền điện tử nhanh nhất.
Nguồn CoinMarketCap.