Phân tích cơ bản so với Phân tích kỹ thuật: Cái nào tốt hơn?
Cho dù bạn đang đầu tư vào cổ phiếu hay tiền điện tử, tiendientu.com sẽ giải thích phân tích cơ bản và phân tích kỹ thuật là gì và nên chọn phân tích nào.

Phân tích cơ bản so với Phân tích kỹ thuật: Cái nào tốt hơn?
Cuộc tranh luận gay gắt giữa các nhà giao dịch và nhà đầu tư về kỹ thuật phân tích nào là tốt nhất đã diễn ra trong một thời gian khá dài.
Một mặt, phân tích cơ bản đã được chứng minh là có hiệu quả đặc biệt đối với các nhà đầu tư dày dặn kinh nghiệm, chẳng hạn như Warren Buffett và Ralph Seger.
Mặt khác, phân tích kỹ thuật có giá trị riêng của nó. Tại một số thị trường trên thế giới, các nhà giao dịch đã kiếm được hàng triệu USD nhờ sự trợ giúp của phân tích kỹ thuật.
Tuy nhiên, thực tế là sự kết hợp của cả hai sẽ tạo ra kết quả tốt nhất, đặc biệt là trong không gian tiền điện tử, nơi không có gì có thể dễ dàng dự đoán được.
Dưới đây là một cái nhìn chuyên sâu về cả hai kỹ thuật cùng với các so sánh sẽ giúp bạn đưa ra những lựa chọn sáng suốt.
Phân tích cơ bản là gì?

Đầu tư và giao dịch trên bất kỳ thị trường nào đều xác định xem tài sản đó có đáng giá ngắn hạn hay dài hạn hay không. Phân tích cơ bản là quá trình đo lường giá trị của một tài sản dựa trên các yếu tố kinh tế hoặc tài chính có liên quan.
Trong trường hợp của thị trường chứng khoán, một nhà phân tích cơ bản sẽ xem xét giá trị nội tại của một công ty. Bằng cách xem xét bảng cân đối kế toán của công ty đó, các xu hướng kinh tế tổng thể có ảnh hưởng đến ngành và nhìn tổng thể cơ chế nội bộ của công ty.
Loại phân tích này thường được coi là lý tưởng cho các nhà đầu tư dài hạn. Về cốt lõi, phân tích cơ bản đo lường giá trị nội tại của tài sản bằng cách đánh giá tất cả các khía cạnh hữu hình và vô hình của công ty hoặc khoản đầu tư. Hay nói cách khác là đánh giá thông qua việc sử dụng thông tin công khai. Mục đích là để xác định xem liệu tài sản được định giá thấp hay được định giá quá cao.
Phân tích kỹ thuật là gì?
Phân tích kỹ thuật là một kỹ thuật giao dịch đánh giá giá trị của khoản đầu tư dựa trên số liệu thống kê, xu hướng biến động giá và khối lượng giao dịch của tài sản đó.

Phân tích kỹ thuật được xây dựng dựa trên niềm tin rằng các biến động giá trong quá khứ và hoạt động thị trường của một loại tài sản có thể được sử dụng như một nguồn thông tin có giá trị để xác định quỹ đạo giá trong tương lai.
Trong khi một nhà phân tích cơ bản tập trung vào giá trị nội tại của công ty và đo lường khả năng của công ty trong việc tăng thu nhập cũng như tài sản của công ty đó, thì một nhà phân tích kỹ thuật sẽ chỉ xem xét lịch sử giá và khối lượng giao dịch của tài sản đó.
Các nhà phân tích kỹ thuật sử dụng các phương trình toán học, biểu đồ và đồ thị để xác định các xu hướng và mô hình hỗ trợ tín hiệu mua hoặc bán. Vì hoạt động kinh doanh cơ bản không phải là vấn đề cần cân nhắc nhiều, các nhà phân tích kỹ thuật sẽ đo lường các tín hiệu trên để so với “các chỉ báo kỹ thuật” (sẽ giải thích rõ hơn ở phần dưới).
Trong khi phân tích cơ bản khuyến khích nhà đầu tư tìm kiếm giá trị vốn có của công ty, thì phân tích kỹ thuật quan tâm đến các phương pháp dự báo hành động giá của tài sản.
Các chỉ báo kỹ thuật là gì?
Một số chỉ báo kỹ thuật phổ biến nhất trên TradingView
Các chỉ báo kỹ thuật là cơ sở của phân tích kỹ thuật. Chúng bao gồm các tín hiệu dựa trên mẫu được tạo ra bởi giá và khối lượng giao dịch của một tài sản. Chúng cho phép nhà giao dịch tìm hiểu và dự đoán các biến động giá trong tương lai của tài sản cụ thể đó.

Các nhà phân tích kỹ thuật sử dụng các chỉ báo kỹ thuật để nghiên cứu và phân tích dữ liệu lịch sử giá của tài sản và các chuyển động thị trường khác để xác định các điểm vào và ra thuận lợi của các giao dịch.
Nhìn chung, có bốn loại chỉ báo kỹ thuật, bao gồm chỉ báo xu hướng (trend indicators), chỉ báo xung lượng (momentum indicators), chỉ báo khối lượng (volume indicators) và chỉ báo biến động (volatility indicators).
Các chỉ báo xu hướng (Trend indicators)
Chúng thường cho thấy hướng chung của thị trường. Các chỉ báo này còn được gọi là bộ dao động. Khi chúng di chuyển giữa các giá trị cao và thấp sẽ tạo thành một mô hình gợn sóng trên biểu đồ và đồ thị.
Các ví dụ bao gồm Đường trung bình động hội tụ phân kỳ (Moving Average Convergence Divergence – MACD), Parabolic SAR và các phần của các chỉ báo Ichimoku Kinko Hyo.
*Moving Average Convergence Divergence (MACD) là một chỉ số dựa trên xu hướng cho thấy mối quan hệ giữa hai đường trung bình của giá chứng khoán.
*Parabolic SAR tên đầy đủ là Parabolic Stop And Reverse, trong đó “stop and reverse” có nghĩa là dừng lại và đảo chiều. Chức năng chính của chỉ báo là hỗ trợ xác định xu hướng của thị trường, cụ thể là phát hiện điểm quá mua và quá bán. Qua đó giúp các nhà đầu tư tìm ra điểm thoát lệnh xu hướng cũ hay vào lệnh khi bắt đầu một xu hướng mới.
*Ichimoku Kinko Hyo, thông thường được gọi tắt là Ichimoku Cloud. Ichimoku là một tập hợp các chỉ báo kỹ thuật cho thấy được tất cả tín hiệu trên biểu đồ nến. Công cụ này có thể tồn tại độc lập và không cần kết hợp với bất cứ chỉ báo nào khác.
Các chỉ báo xung lượng (Momentum indicators)
Được sử dụng để chỉ ra sức mạnh của một xu hướng. Chúng cũng được sử dụng để xác định thời điểm nào xu hướng trên thị trường sắp bị đảo ngược. Hầu hết các nhà giao dịch sử dụng các loại chỉ báo này để dự đoán khi nào quỹ đạo giá sắp thay đổi.
Các chỉ báo xung lượng bao gồm Chỉ số định hướng trung bình (Average Directional Index – ADX), Chỉ số sức mạnh tương đối (Relative Strength Index – RSI) và Chỉ báo dao động ngẫu nhiên (Stochastic Oscillator).
*Average Directional Index là một chỉ báo kỹ thuật rất toàn diện, được tính toán dựa trên mức trung bình động của sự dao động giá trong một khoảng thời gian nhất định với mức mặc định là 14 ngày.
*Relative Strength Index là một chỉ số kỹ thuật được sử dụng trong phân tích thị trường tài chính. Nó nhằm mục đích lập biểu đồ sức mạnh hoặc điểm yếu hiện tại và lịch sử của một cổ phiếu hoặc thị trường dựa trên giá đóng cửa của một giai đoạn giao dịch gần đây.
*Stochastic Oscillator là một chỉ báo dùng để đo lường quán tính và sức mạnh của giá, báo hiệu các tín hiệu đảo chiều xu hướng sớm hơn diễn biến của giá qua những tín hiệu quá mua/quá bán.
Nhóm chỉ báo khối lượng (Volume Indicators)
Được tạo thành từ các công cụ được sử dụng để xác định cường độ của các lệnh mua hoặc bán của một tài sản cụ thể trên thị trường. Chúng bao gồm chỉ báo khối lượng trên số dư (On-balance volume – OBV), chỉ báo khối lượng (volume indicator), Chỉ báo khối lượng Klinger (Klinger Volume Indicator) và chỉ báo Dòng tiền Chaikin (Chaikin Money Flow indicator).
*On-balance volume là chỉ báo khối lượng có chức năng đo lường động lực của xu hướng, dựa vào mối tương quan sự di chuyển của giá và khối lượng. Tuy không phổ biến như các chỉ báo khác, nhưng để thành công trong giao dịch forex các bạn nhất định không được bỏ qua chỉ báo này.
*Volume indicator là chỉ báo thứ cấp, cho nhà đầu tư thấy bức tranh toàn cảnh thị trường, thị trường có hỗ trợ cho một xu hướng giá hay không.
*Klinger Volume Indicator là một xu hướng sau dao động được phát triển bởi Stephen Klinger. Nó được dự định là một xu hướng sau dao động dài hạn có thể đủ đáp ứng để xác định tín hiệu ngắn hạn.
*Chaikin Money Flow indicator là một chỉ báo được phát triển bởi Marc Chaikin, một vào năm 1966. Ý tưởng của Chaikin Money Flow là kết hợp giá và khối lượng giao dịch để thể hiện dòng tiền (vào hay ra khỏi thị trường) trong một giai đoạn nhất định. Giai đoạn mặc định CMF là 21 ngày.
Cuối cùng, các chỉ báo biến động (Volatility indicators) được các nhà giao dịch sử dụng để xác định tần suất thay đổi giá của tài sản trong một khoảng thời gian nhất định. Giá thay đổi càng nhanh thì càng dễ biến động.
Các chỉ báo kỹ thuật tốt nhất cho tài sản tiền điện tử và cổ phiếu
Dưới đây là một số chỉ báo kỹ thuật tốt nhất mà bạn có thể sử dụng để giao dịch tài sản tiền điện tử cũng như cổ phiếu.
- Chỉ báo khối lượng trên số dư (On-balance volume): Đây là một chỉ báo kỹ thuật sử dụng khối lượng giao dịch thay đổi của tài sản để đưa ra dự đoán giá.
- Tích lũy / Đường phân phối (Accumulation/Distribution Line): Chỉ số này được sử dụng để đo lường dòng vốn vào và ra khỏi thị trường.
- Chỉ số định hướng trung bình (Average Directional Index): Chỉ số này đo lường cung và cầu của một tài sản để xác định sức mạnh của xu hướng giá hiện có trên thị trường đó.
- Chỉ báo Aroon (Aroon Indicator): Chỉ báo này được sử dụng để xác định sức mạnh của xu hướng cũng như những thay đổi trong chuyển động giá của tài sản.
- Đường trung bình động hội tụ phân kỳ (MACD): Các nhà đầu tư và nhà giao dịch sử dụng chỉ báo này để xác định sức mạnh của xu hướng trong giá của tài sản.
- Đường trung bình động hàm mũ (Exponential Moving Average – EMA): là một biến thể của chỉ báo đường trung bình động được sử dụng để đo lường sự thay đổi giá trung bình định kỳ theo thời gian để tạo ra, tín hiệu mua và bán cho nhà giao dịch hoặc nhà đầu tư.
- Chỉ số Sức mạnh tương đối (RSI): Đây là một chỉ báo xung lượng xác định xem một tài sản đang bị mua quá mức hay bán quá mức bằng cách đánh giá mức độ của những thay đổi giá gần đây.
- Stochastic Oscillator: Tương tự như RSI, Stochastic Oscillator là một chỉ báo xung lượng xác định các điều kiện quá mua và quá bán trên thị trường.
Kết luận: Phân tích cơ bản so với Phân tích kỹ thuật

Mặc dù phân tích cơ bản và phân tích kỹ thuật là khác nhau, nhưng hầu hết các nhà giao dịch thích sử dụng kết hợp cả hai kỹ thuật. Bởi vì mỗi kỹ thuật đều có ưu và nhược điểm riêng.
Tuy nhiên, việc kết hợp cả hai kỹ thuật vẫn đòi hỏi rất nhiều kỹ năng vì cả hai chiến lược cần được thử nghiệm cho các thị trường khác nhau để xác định khả năng tồn tại của chúng.
Thông thường, các nhà giao dịch mới bắt đầu có xu hướng sử dụng phân tích cơ bản vì nó đòi hỏi ít kỹ thuật hơn, trong khi phân tích kỹ thuật lại phổ biến đối với các chuyên gia có nhiều năm kinh nghiệm.
Nhìn chung, ngay cả đối với những người mới tham gia vào lĩnh vực giao dịch tiền điện tử, có nhiều nguồn giáo dục khác nhau có thể giúp bạn hình thành các chiến lược khả thi kết hợp cả hai kỹ thuật.
Nội dung được dịch và biên tập lại từ CoinMarketCap. Trong quá trình dịch không tránh được các sai sót khi biên dịch các thuật ngữ chuyên môn. Bạn có thể đọc bài viết gốc tại đây. Cảm ơn các bạn đã ủng hộ tiendientu.com.
Nếu có bất kỳ câu hỏi và chia sẻ, hãy để lại bình luận bên dưới và đừng ngại tham gia X100 Coin Group để được thảo luận, trao đổi cùng các admin và nhiều member khác nhé!
Đừng quên theo dõi thường xuyên trang tiendientu.com – Nơi cung cấp và cập nhật các thông tin chi tiết liên quan về tiền điện tử nhanh nhất.
Nguồn CoinMarketCap