NFT gây chấn động với nghệ thuật tiền điện tử
Với sự bùng nổ của ngành công nghiệp NFT về sưu tầm và âm nhạc, làm thế nào để nghệ thuật tiền điện tử phù hợp?

NFT gây chấn động với nghệ thuật tiền điện tử
Vào ngày 11 tháng 3 2021 tác phẩm nghệ thuật kỹ thuật số “Everyday: The First 5000 Days” được đưa ra bán đấu giá trực tuyến với mức giá cuối cùng hơn 69 triệu đô-la. Bên cạnh giá trị khủng của mình, nó còn thu hút sự chú ý của thế giới vì là tác phẩm nghệ thuật dưới dạng token không thể thay thế (NFT) đầu tiên trên thế giới. Bằng việc rao bán thành công bộ tác phẩm gồm 5.000 hình ảnh được thực hiện trong suốt 13 năm, Mike Winkelmann với nghệ danh Beeple bất ngờ trở thành một trong những “nghệ sĩ còn sống đắt giá nhất thế giới ”. Sự kiện này cũng khiến toàn giới nghệ thuật sững sờ.
Sau một thời gian bàn tán, danh tính của người mua “Everydays” đã được công khai. Metakovan, hay còn được biết đến với cái tên Vignesh Sundaresan, trong 20 giây cuối cùng của cuộc đấu giá đã đưa ra mức giá cao hơn mức của người sáng lập và điều hành nền tảng tiền điện tử TRON – Justin Sun 250.000 đô la, trở thành người sở hữu tác phẩm NFT “Everydays”. Giờ đây, Sundaresan không chỉ có được một mã NFT độc đáo mà còn độc quyền sở hữu đối với tác phẩm nghệ thuật phi vật thể này. Bỏ qua yếu tố nghệ thuật và giá cả, lần thu mua này của Sundaresan thu hút sự chú ý của dư luận vì những lý do khác.
“Everydays” là một sáng tạo kỹ thuật số và là ví dụ điển hình về loại hàng hóa mới xuất hiện gọi là “nghệ thuật tiền điện tử”. Không giống như các tác phẩm của những bậc thầy Hà Lan hay họa sĩ Phục hưng, nghệ thuật tiền điện tử sẽ không đột nhiên biến mất trên gác mái, bị Đức Quốc Xã đánh cắp hoặc treo hờ hững trong phòng khách của bạn. Nó tồn tại dưới dạng thông tin kỹ thuật số, tính xác thực và tầm quan trọng của nó được bảo vệ bởi một công nghệ blockchain mới nổi: NFT.
Sự kiện Beeple phá kỷ lục đã tác động không nhỏ đến một số ngành công nghiệp và có thể sẽ sớm trở thành xu hướng dẫn đầu trong tương lai. Hiển nhiên nhiều người trong cộng đồng nghệ thuật đã vô cùng kinh hãi khi biết một tác phẩm nghệ thuật “số” có thể đạt được giá trị cao như thế. Cho dù đã tính đến thực tế rằng bất kỳ ai cũng có thể xem được tác phẩm trực tuyến. Mặc dù vậy, một số tổ chức toàn cầu với sự hiểu biết sâu hơn về công nghệ NFT đang gấp rút nắm bắt thị trường nghệ thuật tiền điện tử đang manh nha phát triển này. Và đây là tất cả những gì bạn cần biết về thị trường tiềm năng này.
Nghệ thuật tiền điện tử là gì?
Nghệ thuật tiền điện tử được định nghĩa một cách đơn giản là những tác phẩm nghệ thuật được hỗ trợ bởi công nghệ blockchain – bao gồm cả video, nghệ thuật kỹ thuật số và GIF. Wikipedia đưa ra hai định nghĩa cho nghệ thuật tiền điện tử:
Thứ nhất: tác phẩm nghệ thuật xoay quanh chủ đề tiền điện tử hoặc liên quan đến tính chính trị của thị trường tiền điện tử (xem video YouTube Hodl Gang).
Thứ hai, như trong trường hợp “Everydays”, nghệ thuật tiền điện tử là khái niệm chỉ những tác phẩm nghệ thuật được mã hóa và xác nhận dưới dạng NFT. Bài viết này tập trung vào định nghĩa thứ hai – những tác phẩm nghệ thuật về bản chất đã được mã hóa thông qua công nghệ blockchain.

Không giống như nghệ thuật truyền thống, hầu hết nghệ thuật tiền điện tử tồn tại ở các định dạng kỹ thuật số. Một số người cho rằng nghệ thuật tiền điện tử vốn dĩ vô giá trị vì nó sẽ được phổ biến rộng rãi trên mạng. Lập luận này cho thấy sự thiếu hiểu biết về công nghệ hỗ trợ nghệ thuật tiền điện tử gọi là “NFT – token không thể thay thế”. Thật vậy, chính công nghệ này đảm bảo quyền sở hữu trí tuệ của một tác phẩm nghệ thuật “số” và phân biệt bản sao “cắt dán” so với bản gốc.
Hiểu đúng về NFT – Token không thể thay thế
NFT đang được tăng cường sử dụng để phổ biến nghệ thuật kỹ thuật số cũng như các tác phẩm nghệ thuật “vật lý” thông thường, trò chơi điện tử, đồ sưu tầm và âm nhạc. Chúng ta có thể nhận ra điểm giống của NFT so với khi sử dụng tiền điện tử: chúng đều là tồn tại trên blockchain. Nhiệm vụ của chúng là đối chiếu, theo dõi và ngăn chặn sự trùng lặp các giao dịch. Điểm khác biệt so với tiền điện tử là NFT không thể thay thế cho nhau.
Nói một cách đơn giản nhất, NFT là các đơn vị dữ liệu bất biến biểu thị quyền sở hữu duy nhất đối với một đối tượng kỹ thuật số được lưu trữ ở định dạng dữ liệu tiêu chuẩn ERC-721 (trái ngược với định dạng ERC-20 của các token có thể thay thế) trên blockchain Ethereum. Hiện tại, các hệ thống blockchain khác cũng đã bắt đầu triển khai hình thức NFT của riêng họ.
NFT đại diện và cung cấp bằng chứng về quyền sở hữu một sản phẩm kỹ thuật số không thể thay thế cho nhau. Không giống như các loại tiền điện tử Bitcoin hoặc Ether là những thứ có thể thay thế được – nếu bạn giao dịch một Bitcoin lấy một Bitcoin khác hoặc một Ether lấy một Ether khác thì giá trị của giao dịch đó vẫn giữ nguyên – thì NFT là duy nhất. Một NFT không thể được trao đổi cho một NFT khác. Công nghệ NFT đảm bảo các nghệ sĩ và những người bảo trợ của họ độc quyền về nghệ thuật, xác định các tác phẩm nhái và ngăn chặn tình trạng vi phạm sở hữu trí tuệ.
Cách dễ nhất để hiểu khái niệm NFT và mối quan hệ của nó với nghệ thuật tiền điện tử là nghĩ về nó như một sự kết hợp giữa chữ ký của nghệ sĩ sáng tạo nội dung kỹ thuật số và bằng chứng về quyền sở hữu. NFT giúp nghệ sĩ đảm bảo quyền sở hữu tuyệt đối vì nó không thể bị bẻ khóa và cực kỳ chính xác.
Điều này đồng nghĩa với việc cho dù một tác phẩm nghệ thuật “số” được lưu vào máy tính để bàn của bạn, chủ sở hữu thực sự và duy nhất của nó vẫn là cá nhân (hoặc nhóm) sở hữu NFT. Giống như việc bạn mua lại bản in của một bức tranh kiểu truyền thống – ví như bản sao bức “Persistence of Memory” của Dali được tìm thấy trong mọi ký túc xá đại học chẳng hạn – có nghĩa là bạn chỉ có được bản sao của tác phẩm nghệ thuật chứ bạn không sở hữu tác phẩm gốc.
Tại sao nghệ thuật tiền điện tử lại quan trọng?
Từ sau khi được phát minh vào năm 2009 bởi Satoshi Nakamoto, Bitcoin và công nghệ nền tảng blockchain đã nhanh chóng thích nghi với các ứng dụng công nghiệp. Công nghệ tương tự hiện đã thu hút sự chú ý của ngành công nghiệp sáng tạo, nơi đang rất cần sự ứng dụng của nó nhằm giải quyết những vấn đề lớn nhất trong thế giới nghệ thuật – hàng giả và trộm cắp chất xám.
Ngoài ra còn một vài lý do khác khiến NFT và giới nghệ thuật tiền điện tử trở nên quan trọng là:
- Nghệ thuật tiền điện tử và công nghệ phái sinh của nó – NFT – tìm ra phương pháp giải quyết các vấn đề truyền thống như nguồn gốc và tính xác thực của tác phẩm, cũng như các vấn đề hiện đại về vi phạm bản quyền và sở hữu trí tuệ. Xu hướng ứng dụng NFT vào các ngành nghệ thuật được ủng hộ với hy vọng sẽ giảm bớt đáng kể các vấn đề xung quanh tính xác thực.
- Vì nghệ thuật tiền điện tử có thể được sở hữu bởi một hay nhiều cá nhân nên tính minh bạch và thanh khoản (thị trường có nhiều giá chào mua và chào bán, mức chênh lệch giữa giá chào mua và chào bán thấp và biến động thấp) sẽ được nâng cao đáng kể. Nếu như các tác phẩm nghệ thuật truyền thống chỉ thuộc sở hữu riêng của một cá nhân, gia đình hoặc tổ chức thì công nghệ NFT cho phép nhiều người cùng mua và giao dịch các tác phẩm này. Chúng có thể được phân chia thành các phiên bản nhỏ và trao đổi tương tự như cổ phiếu. Tính năng này mở ra cơ hội cho tất cả mọi người tham gia vào thị trường nghệ thuật vốn vô cùng đắt đỏ. Tương tự, đối với bản thân ngành nghệ thuật tiền điện tử sẽ được phân cấp rõ ràng hơn trong việc sưu tầm, sáng tạo hay chỉ mua và bán. Đương nhiên, sẽ hiếm có trường hợp nào lập được kỷ lục như “Everydays” mà chỉ dừng lại ở mức giá cả phải chăng.
Sự phát triển của nghệ thuật tiền điện tử và NFT mang lại nhiều lợi thế hơn cho các nghệ sĩ kỹ thuật số và nghệ thuật vật lý. Công nghệ NFT cho phép các nghệ sĩ đăng ký sở hữu tác phẩm nghệ thuật của họ, tạo chứng nhận về sự tin cậy và tránh việc bị sao chép. Bên cạnh đó các nghệ sĩ cũng có thể theo dõi doanh số bán hàng và thu tiền bản quyền từ các giao dịch.
Mọi người thuộc bất kỳ chủng tộc, quốc tịch, tín ngưỡng, giới tính hoặc danh tính nào đều có thể tiếp cận được nghệ thuật tiền điện tử vì nó luôn trực tuyến. Bạn có thể dễ dàng mua và thưởng thức từ bất cứ nơi đâu trên trái đất mà không bị kiểm soát bởi các bên trung gian hay người kiểm duyệt.
Tóm lại, nghệ thuật tiền điện tử là một xu hướng công nghệ mới. Bên cạnh đó còn có vai trò như một phương tiện nghệ thuật, hứa hẹn sẽ tạo ra một cuộc cách mạng hóa trong ngành nghệ thuật. Vào tháng 4 năm 2021 chúng ta đã chứng kiến sự ra đời của không gian vật lý trưng bày các tác phẩm nghệ thuật tiền điện tử đầu tiên trên thế giới tại New York. Mặc dù công nghệ NFT còn khá mới mẻ và vẫn bị đe dọa bởi một số vấn đề bảo mật (như vụ việc NFT “Everyday: The First 5000 Days” của Beeple không cánh mà bay chẳng hạn) nhưng nó chắc chắn vẫn sẽ tiếp tục tồn tại và không ngừng mở rộng.
Cho dù NFT có xuất hiện dưới dạng tác phẩm kỹ thuật số thuần túy như “Everyday” hay tác phẩm hữu hình như Block 21 chẳng hạn thì nghệ thuật tiền điện tử và công nghệ NFT vẫn là bức tranh còn đang dang dở. Biết đâu tại một thời điểm nào đó trong tương lai gần nghệ thuật tiền điện tử sẽ xuất hiện trong buổi đấu giá hoặc bảo tàng ngay trong khu nhà bạn.
Kết luận
Từ nội dung trên, NFT là một loại mã token mã hóa trên một blockchain đại diện cho một tài sản duy nhất. Chúng có thể là tài sản ảo hoàn toàn hoặc phiên bản mã hóa của tài sản trong thế giới thực.
Nội dung được dịch và biên tập lại từ CoinMarketCap. Trong quá trình dịch không tránh được các sai sót khi biên dịch các thuật ngữ chuyên môn. Bạn có thể đọc bài viết gốc tại đây. Cảm ơn các bạn đã ủng hộ tiendientu.com.
Nếu có bất kỳ câu hỏi và chia sẻ, hãy để lại bình luận bên dưới và đừng ngại tham gia X100 Coin Group để được thảo luận, trao đổi cùng các admin và nhiều member khác nhé!
Đừng quên theo dõi thường xuyên trang tiendientu.com – Nơi cung cấp và cập nhật các thông tin chi tiết liên quan về tiền điện tử nhanh nhất.
Nguồn CoinMarketCap