Phân tích kỹ thuật: Các chỉ báo kỹ thuật tốt nhất cho tiền điện tử và cổ phiếu
Giao dịch hoặc đầu tư đòi hỏi sự hiểu biết về tiền điện tử hoặc cổ phiếu và giá trị cơ bản của nó. Điều đó có thể dễ dàng được thực hiện bằng cách sử dụng các chỉ báo kỹ thuật.

Phân tích kỹ thuật: Các chỉ báo kỹ thuật tốt nhất cho tiền điện tử và cổ phiếu
Đối với những người mới tham gia vào thế giới tiền điện tử, hãy cùng tìm hiểu danh sách các chỉ báo kỹ thuật tốt nhất cho tiền điện tử và cổ phiếu mà bạn có thể sử dụng
Dưới đây là những điều cơ bản nhưng không kém phần quan trọng trước khi đi vào tìm hiểu về các đồng coin/cổ phiếu:
- Giá đầu vào mà bạn có thể đủ khả năng mua một đồng coin/cổ phiếu.
- Lợi nhuận tiềm năng hoặc tăng trưởng giá dự kiến.
- Thời gian cần thiết để đạt được mức giá dự kiến.
Phân tích kỹ thuật (TA-Technical Analysis) là một kỹ thuật phổ biến để đánh giá cổ phiếu hoặc tiền điện tử dựa trên các điểm và yếu tố dữ liệu. Bài viết này sẽ giúp bạn hiểu về TA trước khi đi sâu vào các chỉ báo giao dịch cũng như gợi ý các chỉ báo tốt nhất cho bạn.
Phân tích kỹ thuật là gì?
Hãy tưởng tượng bạn đang ghé thăm một trung tâm mua sắm lần đầu tiên và bạn bước vào khu ẩm thực để mua một ít đồ ăn. Có rất nhiều lựa chọn từ những món đến từ khắp mọi nơi trên thế giới đến các món ăn địa phương. Vậy bạn dựa vào đâu và làm thế nào để đưa ra lựa chọn?
Ý tưởng 1
Bạn có thể ghé thăm một vài cửa hàng, quan sát vệ sinh của họ, nếm thử một chút và quyết định ăn ở một địa điểm cụ thể. Trong một khu ẩm thực với 20 nhà cung cấp khác nhau, bạn ít có khả năng ghé thăm tất cả họ và lặp lại những việc trên. Điều này có nghĩa là bạn có khả năng bỏ lỡ những món ăn ngon nhất có sẵn trong khu ẩm thực.
Ý tưởng 2
Có một kỹ thuật khác mà bạn có thể áp dụng. Điều này liên quan đến việc đứng ở một góc với đôi mắt tinh tường. Bạn quan sát nhà cung cấp nào có nhiều khách hàng nhất và suy ra đó là nơi có đồ ăn ngon nhất. Ở đây, bạn đặt cược vào giả định rằng sở thích của đám đông sẽ phù hợp với sở thích của bạn.
Phân tích kỹ thuật (TA) rất giống với ý tưởng 2. Dữ liệu thị trường thúc đẩy phân tích của bạn về một đồng coin/cổ phiếu, sau đó bạn giao dịch hoặc đầu tư dựa trên các xu hướng và mô hình bắt nguồn từ đó.
Nếu TA dễ dàng như chúng ta nói, đó có phải là một cách tuyệt vời để tối đa hóa lợi nhuận không?
Không hẳn vậy. Vì TA phụ thuộc vào thị trường và những người tham gia vào thị trường. Nên có một số giả định nhất định mà bạn phải đưa ra khi thực hiện giao dịch dựa trên TA.
Giá cả phản ánh tác động của thị trường
Giả định này được sinh ra từ niềm tin rằng mọi yếu tố liên quan đến cổ phiếu/tiền điện tử đã được xem xét và được phản ánh trong giá của nó. Đối với cổ phiếu, ngay từ khi tuyên bố cổ tức cho đến khi sa thải nhân viên, mọi thứ đều được coi là yếu tố được tính vào giá mới nhất của nó. Tương tự, trong tiền điện tử, độ khó băm, sự chấp nhận của chính phủ và thậm chí các dòng tweet được cho là sẽ ảnh hưởng đến giá của các đồng coin/token.
Giá luôn di chuyển theo xu hướng
Khi một nhà đầu tư mở biểu đồ giao dịch, họ cảm thấy choáng ngợp khi nhìn vào một số biến động giá ngẫu nhiên. Những đường màu xanh lá và đỏ hay những thanh nến là cơn ác mộng của họ lúc này. Tuy nhiên, các chuyên gia TA cho rằng bất kể khung thời gian nào, biến động giá luôn là một phần của xu hướng. Khi xu hướng được hình thành, giá sẽ di chuyển theo cùng một hướng.
Lịch sử có xu hướng lặp lại
Đây là một giả định tâm lý được khắc sâu trong nội dung của phân tích kỹ thuật. Những người tham gia thị trường thường phản ứng tương tự khi giá di chuyển theo một hướng nhất định. Cảm xúc đánh bại logic vì một số xu hướng giảm giá đã chứng kiến rất nhiều người bán ra. Và tương tự trong các đợt tăng giá, những người tham gia sẽ mua đồng coin/cổ phiếu với số lượng đáng kể.
Chỉ báo kỹ thuật là gì?
Biểu đồ giá của bất kỳ đồng coin/cổ phiếu nào đều có những cách diễn giải hoặc phân tích đa dạng. Trong đó, chỉ báo kỹ thuật là công cụ phân tích biểu đồ có thể giúp các nhà giao dịch hiểu rõ hơn và hành động theo chuyển động của giá.
Các chỉ báo kỹ thuật cũng được sử dụng để loại bỏ sự không chắc chắn và cung cấp một sân chơi bình đẳng. Chúng là các phép tính toán học được sử dụng để vẽ các đường trên biểu đồ giá nhằm xác định xu hướng và các điểm giá chính của một đồng coin/cổ phiếu.
Hãy coi các chỉ báo giao dịch như một bản đồ hướng dẫn bạn vượt qua mê cung của sự mơ hồ. Sử dụng kết hợp nghiên cứu tâm lý thị trường và hiểu biết về rủi ro sẽ cho phép bạn đưa ra quyết định giao dịch tốt hơn. Với bản chất định lượng của chúng, bạn cũng có thể tự động hóa các giao dịch của mình bằng cách sử dụng các chỉ báo này.
Sau khi đã hiểu cách thức hoạt động cũng như lợi ích mà các Chỉ báo kỹ thuật mang lại, chúng ta cùng tìm hiểu về các Chỉ báo kỹ thuật tốt nhất hiện nay.
Các chỉ báo kỹ thuật tốt nhất cho cổ phiếu và tiền điện tử
On-Balance-Volume (OBV)
OBV là một chỉ báo kỹ thuật dựa trên khối lượng. Nó nghiên cứu khối lượng giao dịch tích lũy của một đồng coin/cổ phiếu trong một khung thời gian nhất định. Nói một cách đơn giản, nó đo áp lực mua và bán của đồng coin/cổ phiếu đó.
OBV là tổng khối lượng giao dịch tích lũy của một tài sản. Nó có tính đến khối lượng giao dịch của những ngày, tuần trước và thậm chí cả tháng. Có ba quy tắc đơn giản để tính OBV:
- Nếu giá Close (tạm dịch là giá đóng) của tài sản lớn hơn giá Close của ngày hôm qua:
OBV hiện tại = OBV của ngày hôm qua + Khối lượng giao dịch của ngày hôm nay
- Nếu giá close của tài sản thấp hơn giá close của ngày hôm qua:
OBV hiện tại = OBV của ngày hôm qua – Khối lượng giao dịch của ngày hôm nay
- Nếu giá của tài sản không đổi:
OBV của ngày hôm qua = OBV của ngày hôm nay
Giải thích về OBV như sau:
OBV ngày càng tăng có nghĩa là nhiều người mua sẵn sàng mua tài sản ở mức giá giao dịch hơn. Đây là một chỉ báo tốt về sự phục hồi của giá.
OBV giảm có nghĩa là áp lực bán đang ở mức cao. Điều này thường được thấy khi tài sản đạt gần mức giá cao nhất mọi thời đại và các nhà giao dịch bán để chốt lời. Điều này đánh dấu một tâm lý giảm giá bắt đầu trên thị trường.
Nếu chuyển động giá được hỗ trợ bởi khối lượng, thì hướng xu hướng được xác nhận, cho thấy có thể dựa vào đó để thiết lập giao dịch. Tuy nhiên, nếu chuyển động giá ngược lại với chuyển động OBV, thì điều đó phản ánh sự nhầm lẫn trên thị trường.
Ví dụ 1:

Ví dụ 2:

Đường tích lũy/phân phối – A/D
Chúng ta cùng tiếp tục với một chỉ báo dựa trên khối lượng phổ biến khác là đường tích lũy/phân phối (A/D). Nó được sử dụng để khẳng định xu hướng của tài sản dựa trên mối quan hệ giữa giá và khối lượng giao dịch.
Đường A/D đo lường dòng tiền vào và ra của một tài sản. Điều này được sử dụng để xác định xem một tài sản đang được tích lũy hay phân phối. Nói chung, tích lũy biểu thị mức mua của tài sản và phân phối biểu thị mức bán của tài sản.
Để tính toán đường A/D, chúng ta cần hai số liệu:
- Hệ số nhân dòng tiền (MFM)
- Khối lượng dòng tiền (MFV)
Với ông thức:
MFM = [(C – L) – (H – C)] / (H – L)
MFV = Khối lượng trong khoảng thời gian cụ thể * MFM
Trong đó:
C – Giá close
L – Giá thấp nhất
H – Giá cao nhất.
Tất cả số liệu này cùng nằm trong một khoảng thời gian cụ thể.
Việc diễn giải đường tích lũy/phân phối thường được thực hiện liên quan đến biến động giá của tài sản. Những nhận xét chung được đưa ra khi quan sát đường A/D là:
- Khi cả giá và đường A/D đi lên, tâm lý tăng giá có khả năng tiếp tục tăng.
- Nếu cả hai chỉ số đang đối mặt với xu hướng giảm, tâm lý giảm giá xung quanh tài sản có khả năng chiếm ưu thế.
- Nếu giá tăng trong khi đường A/D đối mặt với xu hướng giảm, điều đó phản ánh áp lực bán trên thị trường đang ở mức cao. Điều này có nghĩa là tài sản có khả năng đối mặt với sự đảo chiều giảm giá (phân phối).
- Ngược lại, nếu đường A/D đi lên trong khi giá giảm, điều đó cho thấy áp lực mua sẽ tăng đột biến khi nhiều người tham gia thị trường tiếp tục tích lũy tài sản.
Chỉ báo đường A/D là một trong những cách tốt nhất để xác nhận xu hướng hiện tại đồng thời giúp ta thấy được áp lực mua/bán. Ngoài ra, bạn không nên sử dụng nó như một chỉ báo độc lập mà phải sử dụng kết hợp với những chỉ báo khác để mang lại những kết quả chính xác nhất.
Ví dụ 1:

Ví dụ 2:

Chỉ báo hướng trung bình (ADX)
Sau hai chỉ báo dựa trên khối lượng, chúng ta cùng chuyển sang chỉ báo dựa trên xu hướng ban đầu (First Trend-based Indicator). Tức là Chỉ báo hướng trung bình (ADX). Như tên gọi, biện pháp kỹ thuật quan trọng ở đây là hướng/xu hướng của tài sản. Nó được biểu thị qua:
- Chỉ báo hướng tích cực hoặc + DI, khi xu hướng đi lên.
- Chỉ báo định hướng tiêu cực hoặc – DI, khi xu hướng giảm đang diễn ra.
ADX với hai chỉ báo đi kèm đo lường sức mạnh xu hướng hiện tại của tài sản. Dựa trên sức mạnh này, các nhà giao dịch/nhà đầu tư có thể đặt cược vào việc mua hay bán tài sản.

Trong tính toán ADX, khoảng thời gian thường được chia thành 14 thanh. Tuy nhiên, ADX cũng có thể chia các mốc thời gian ngắn hơn như 7 thanh hoặc những mốc dài hơn như 30 thanh.
Các tính toán cho ADX thực sự phức tạp. Nó có thể được sử dụng cho nhiều loại tài sản như ETF, cổ phiếu và tiền điện tử. Chỉ báo ADX được hiển thị dưới dạng một đường được tạo từ các giá trị nằm trong khoảng từ 0 đến 100.
Đầu tiên, giá trị ADX dưới 25 là giai đoạn tích lũy và/hoặc phân phối quy mô lớn. Trong giai đoạn này, thị trường đang ở trong trạng thái “bối rối” về tài sản. Từ 25 đến 50, không chỉ có sự hiện diện của xu hướng mà còn là sự xác nhận. Ở đây, thị trường đang cố gắng tìm các mức hỗ trợ và kháng cự tiềm năng của tài sản.
Trên 50, nó là một chỉ báo cho thấy một xu hướng mạnh mẽ liên quan đến tuổi thọ hay thời gian tồn tại của tài sản. Tại đây, tài sản đạt đến các điểm giá cực đoan theo hướng của nó. Đây là một dấu hiệu thận trọng vì ADX > 50 có nghĩa là các nhà đầu tư đang khao khát chốt lời trong khi nhiều người thậm chí đặt “giao dịch ngắn hạn”.
ADX là một chỉ báo dựa trên xu hướng. Do đó,nếu chỉ sử dụng và tin tưởng hoàn toàn vài chỉ báo này là một rủi ro lớn. Bạn nên kết hợp với các chỉ báo chuyển động giá, như đường trung bình động hoặc hỗ trợ và kháng cự. Lúc này, ADX mới có thể phát huy tác dụng tốt nhất.
Ví dụ:

Chỉ báo Aroon
Được phát triển bởi một chuyên gia thị trường chứng khoán Tushar Chande. Chỉ báo Aroon là một chỉ báo dựa trên xu hướng phổ biến. Tương tự như ADX, nó giúp xác định xu hướng và cũng đo lường sức mạnh của xu hướng.
Chỉ báo Aroon bao gồm hai đường Aroon tức là AroonUp và AroonDown. Cả hai đường này đều được đo trên thang điểm từ 0 đến 100.
Đường AroonUp là gì?
Đường này đo lường sức mạnh của xu hướng tăng của tài sản bằng cách phản ánh số ngày kể từ khi giá tài sản đạt mức cao nhất trong 25 ngày trước đó. Điều này có nghĩa là nếu tài sản đang ở mức cao nhất trong 25 ngày hiện tại, giá trị AroonUp là 100. Tương tự như vậy, giá trị AroonUp càng thấp, xu hướng tăng càng yếu.
Nó được tính bằng công thức:
[(số khoảng thời gian) – (số khoảng thời gian kể từ mức cao nhất)] / (số khoảng thời gian)] x 100
Đường AroonDown là gì?
Đường này phản ánh số ngày kể từ khi giá tài sản đạt mức thấp nhất trong 25 ngày gần đây, đồng thời xác nhận tâm lý giảm giá trên thị trường. Tương tự như AroonUp, giá trị AroonDown càng gần 100, xu hướng càng mạnh.
Công thức tính toán dòng AroonDown:
[(số khoảng thời gian) – (số khoảng thời gian kể từ mức thấp nhất)]/(số khoảng thời gian)] x 100
Cách giải thích các chỉ báo Aroon?
- Nếu AroonUp nằm trong khoảng 70 đến 100 trong khi AroonDown nằm trong khoảng từ 0 đến 30, điều đó cho thấy một thị trường tăng giá với các mức cao mới hơn dự kiến cho tài sản.
- Nếu AroonUp duy trì trong phạm vi từ 0 đến 30 trong khi AroonDown đang tăng lên, thì tâm lý giảm giá sẽ chiếm ưu thế trên thị trường với việc tài sản luôn chạm mức giá thấp.
- AroonUp và AroonDown vẫn khá song song khi tài sản ở một mức giá cụ thể đang hợp nhất.
Ví dụ 1:

Ví dụ 2:

Trong phần trước (bên trái), chúng ta có thể thấy cách AroonDown tăng lên trên AroonUp cho thấy xu hướng giảm giá. Như dự đoán, giá giảm.
Trong phần sau (bên phải), AroonUp đã phá vỡ AroonDown cho thấy sự đảo chiều tăng giá. Sau khi phá vỡ, giá trị AroonUp duy trì gần 100 phản ánh sức mạnh của xu hướng tăng. Giá phản ánh tâm lý bằng cách đạt mức cao mới.
Chỉ báo Phân kỳ-Hội tụ trung bình động (MACD)
Được phát triển vào những năm 1970, MACD là một chỉ báo kỹ thuật dựa trên động lượng được một phần lớn các nhà giao dịch sử dụng. Bằng cách chỉ ra mối quan hệ giữa hai đường trung bình động của giá tài sản, nó phản ánh động lượng của các xu hướng. MACD có ba thành phần chính:
MACD = EMA 12 kỳ – EMA 26 kỳ
Đường tín hiệu = Đường EMA 9 chu kỳ của MACD
Biểu đồ MACD = MACD – Đường tín hiệu
MACD phụ thuộc vào các đường trung bình động với độ chính xác khá cao và đáng tin cậy.
Cách hiểu biểu đồ chỉ báo MACD như sau:
- MACD dương = Động lượng tăng của xu hướng tăng (giá tăng).
- MACD âm = Động lượng tăng của xu hướng giảm (giá giảm).
- Nếu MACD tăng và cắt lên trên Đường tín hiệu, thì đó là sự giao nhau trong xu hướng tăng.
- Nếu MACD giảm xuống dưới Đường tín hiệu, nó là sự giao nhau trong xu hướng giảm.
Bằng cách kết hợp xu hướng và động lượng, MACD đã phát triển thành một chỉ báo giao dịch phổ biến nhưng đáng tin cậy. Ngoài ra, nó cung cấp đủ tính linh hoạt vì MACD có thể được áp dụng cho biểu đồ giá của các khung thời gian khác nhau.
Ví dụ 1:

- Giao nhau 1 (trái) tức là khi MACD tăng từ dưới 0, cắt Đường tín hiệu, thì chúng ta sẽ có một tâm lý tăng giá mạnh mẽ.
- Giao nhau 2 (phải) tức là khi Đường tín hiệu giảm từ đỉnh gần xuống cắt MACD từ bên dưới, thì thị trường đang giảm giá đối với cổ phiếu Apple.
Ví dụ 2:

Tại đây, giá cổ phiếu của Apple đạt mức cao mới liên quan đến việc MACD chạm mức cao thấp hơn. Đây là một chỉ báo về sự đảo ngược xu hướng và khi MACD giảm xuống dưới Đường tín hiệu, sự phân kỳ giảm giá xuất hiện và giá giảm một biên độ đáng kể.
Bây giờ, đường giao nhau (đường chấm đen – dọc) sẽ là thời điểm lý tưởng để thực hiện các giao dịch ngắn hạn.
Chỉ báo sức mạnh tương đối (RSI)
RSI là một chỉ báo động lượng/dao động đo tốc độ và sự thay đổi của các chuyển động giá của tài sản. Giá trị RSI trong khoảng từ 0 đến 100. Nó được sử dụng phổ biến để đánh giá một tài sản dựa trên việc nó được mua vào hoặc bán ra quá mức.
Làm thế nào để tính toán RSI?
RSI = Mức lãi trung bình / Mức lỗ trung bình
Đây là cách tính RSI đơn giản. Tuy nhiên, nó có thể bị lặp lại các chỉ báo. Thay vào đó, hãy sử dụng TradingView và chỉ báo RSI tích hợp của nó để dễ dàng theo dõi.
Giá trị RSI được hiểu như sau:
- Nếu RSI > 70, thì tài sản được định giá quá cao. Mở ra cho thị trường sự điều chỉnh hoặc đảo ngược xu hướng.
- Nếu RSI < 30, đó là dấu hiệu cho thấy tài sản đang được định giá thấp.
- Khi RSI tăng lên trên mức tham chiếu 30, xu hướng tăng giá được xác định.
- Tương tự, khi RSI giảm xuống dưới mức tham chiếu ngang 70, đó là một dấu hiệu giảm giá.
Ví dụ 1:

Ví dụ 2:

Stochastic Oscillator (Dao động ngẫu nhiên)
Chỉ báo giao dịch cuối cùng trong danh sách là một chỉ báo xung lượng được gọi là Stochastic Oscillator. Nó được phát triển để theo đà hoặc tốc độ của giá. Điều này bắt nguồn từ một quy tắc là động lượng thay đổi hướng trước giá.
Chỉ báo này dao động trong khoảng từ 0 đến 100, đo lường động lượng của tài sản. Về khung thời gian, 14 khoảng thời gian là quy tắc chung có thể là 14 ngày, tuần hoặc thậm chí vài tháng tùy thuộc vào mục tiêu của nhà phân tích.
Làm thế nào để sử dụng Stochastic Oscillator?
- Nếu giá trị dưới 20, thì giá hiện tại của tài sản được hiểu là gần đạt mức thấp trong khung thời gian cụ thể đó.
- Tương tự như vậy, nếu trên 80 thì tài sản đang ở gần mức giá cao nhất trong khung thời gian.
- Tương tự như RSI, nếu giá trị > 80 là giới hạn mua quá mức được chấp nhận – tín hiệu bán.
- Và giá trị < 20 là giới hạn bán quá mức được chấp nhận – tín hiệu mua.
Không nên sử dụng Stochastic Oscillator như một chỉ báo duy nhất. Luôn phải sử dụng kết hợp các chỉ báo lại với nhau để mang lại hiệu quả cao nhất.
Ví dụ:

Kết luận
Bài viết này nhằm mục đích truyền đạt kiến thức về phân tích kỹ thuật, các chỉ báo giao dịch và tầm quan trọng của chúng. Ngoài ra, chúng ta cũng đã tìm hiểu chi tiết về các chỉ báo giao dịch hàng đầu. Cần phải hiểu các chỉ báo, tiện ích và hạn chế của chúng trước khi sử dụng. Có một lời khuyên rất hữu ích và được lặp lại rất nhiều lần là phải sử dụng kết hợp các chỉ báo giao dịch với nhau. Chỉ như thế mới có thể tăng độ chính xác cũng như có thể mang lại hiệu quả cao nhất cho chiến lược đầu tư của bạn.
Nội dung được dịch và biên tập lại từ CoinMarketCap. Trong quá trình dịch không tránh được các sai sót khi biên dịch các thuật ngữ chuyên môn. Bạn có thể đọc bài viết gốc tại đây. Cảm ơn các bạn đã ủng hộ tiendientu.com.
Nếu có bất kỳ câu hỏi và chia sẻ, hãy để lại bình luận bên dưới và đừng ngại tham gia X100 Coin Group để được thảo luận, trao đổi cùng các admin và nhiều member khác nhé!
Đừng quên theo dõi thường xuyên trang tiendientu.com – Nơi cung cấp và cập nhật các thông tin chi tiết liên quan về tiền điện tử nhanh nhất.
Nguồn CoinMarketCap.